Quyền lực của Putin toát ra từ lễ nhậm chức

Hình ảnh Putin nổi bật trên bục tuyên thệ giữa khung cảnh tráng lệ của Điện Kremlin như chứng tỏ ông là người quyền lực nhất nước Nga.
Putin chuẩn bị chủ trì lễ diễu binh sau khi tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Reuters. Putin chuẩn bị chủ trì lễ diễu binh sau khi tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Vladimir Putin hôm qua tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư tại đại sảnh tráng lệ của Điện Kremlin, trong buổi lễ trang trọng được tổ chức nhằm làm toát lên quyền lực mà lãnh đạo này đạt được sau gần hai thập kỷ cầm quyền, theoNYTimes.

Trải qua ba nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ thủ tướng trong 18 năm qua, Putin, một cựu sĩ quan tình báo KGB, đã xây dựng cho mình hình ảnh của một lãnh đạo "thần kinh thép" và là người phù hợp nhất để giúp nước Nga "tái sinh như phượng hoàng lửa" sau khi Liên Xô tan rã. Hình ảnh đó được khắc họa một cách tinh tế và rõ nét trong lễ nhậm chức kéo dài khoảng 50 phút của ông.

Buổi lễ phát trên sóng truyền hình trực tiếp được bắt đầu bằng hình ảnh Putin ngồi sau bàn làm việc trong văn phòng ở Điện Kremlin, khoảng 15 phút trước khi đồng hồ ở Moskva điểm 12 giờ trưa. Hình ảnh chiếc áo vest khoác trên lưng ghế dường như cho thấy Tổng thống Putin vẫn làm việc miệt mài cho đến sát giờ diễn ra buổi lễ. 

Quyền lực của Putin toát ra từ lễ nhậm chức ảnh 1

Putin ngồi trong phòng làm việc ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ tư. Ảnh: Reuters

Ngay sau đó, chuông điện thoại vang lên, báo hiệu cho Putin biết rằng đã đến lúc ông rời văn phòng để đến đại sảnh, nơi khoảng 5.000 người đang chờ chứng kiến lễ nhậm chức lần thứ tư của ông. Putin mặc áo vest, đi bộ một mình dọc hành lang trải thảm đỏ của tòa nhà để bước lên chuyên xa tới Đại sảnh Andereevsky.

Theo bình luận viên Johnny Simon của QZ, hình ảnh ấn tượng về Putin trong lễ nhậm chức lần này là ông luôn ở một mình. Trong phòng làm việc chỉ có mình ông và cũng không có ai đi bên cạnh khi ông bước lên các bậc thang trải thảm dẫn tới bục làm lễ tuyên thệ. Điện Kremlin cho biết vợ cũ của Putin là bà Lyudmila không tháp tùng ông tới lễ tuyên thệ vì hai người đã ly hôn năm 2013.

Thông thường lễ nhậm chức của các lãnh đạo trên thế giới đều có sự xuất hiện của người tiền nhiệm hoặc vợ/chồng của lãnh đạo đó.

Lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ luôn có khách mời là các cựu tổng thống, nghị sĩ, thẩm phán và người thân trong gia đình, sau đó là màn tạm biệt giữa tổng thống đắc cử với tổng thống mãn nhiệm.

Những hình ảnh đó không xuất hiện trong lễ nhậm chức của Putin. Ngoài ba đại diện của Hội đồng Nhà nước, Duma Quốc gia và Tòa án Hiến pháp cùng các tiêu binh đứng trên bục, tất cả khách mời, kể cả Thủ tướng Dmitry Medvedev, đều đứng sau hàng rào bằng dây nhung, ở bên dưới và cách chỗ Putin tuyên thệ vài mét. 

Quyền lực của Putin toát ra từ lễ nhậm chức ảnh 2

Thủ tướng Medvedev và các khách mời đứng sau hàng rào nhung khi ông Putin tuyên thệ. Ảnh: Reuters

Dù không quy mô như lễ nhậm chức năm 2012, sự kiện lần này vẫn được tổ chức với những nghi thức trang trọng nhất, được tôn lên bởi vẻ hoành tráng của cung điện nơi từng diễn ra lễ đăng quang của các sa hoàng Alexander II, Alexander III và Nicholas II. Các tiêu binh đều đội những chiếc mũ cao theo phong cách quân phục có từ thời chiến tranh với quân đội Napoleon năm 1812.

Simon cho rằng cách bố trí này thể hiện một thông điệp rất rõ ràng về quyền lực của Putin: Ông là người duy nhất có ảnh hưởng tuyệt đối ở nước Nga và có thể giải quyết các vấn đề của người Nga.

Chú trọng vào nước Nga

Sau khi đọc lời tuyên thệ 33 từ, Tổng thống Putin có bài phát biểu nhậm chức ngắn gọn, trong đó ông cho thấy chính sách trong nhiệm kỳ mới của mình là chú trọng vào các vấn đề nội tại và cải thiện nền kinh tế Nga để đảm bảo "sự thịnh vượng cho mỗi gia đình", trong khi không nhắc từ nào đến việc giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.

"An ninh và khả năng tự vệ của đất nước đã được đảm bảo vững chắc", Putin khẳng định. "Giờ là lúc chúng ta huy động mọi khả năng có thể để giải quyết các nhiệm vụ phát triển quan trọng nhất. Tiêu chuẩn mới về tuổi thọ, mức sống, an toàn và sức khỏe cho người dân là điều quan trọng hiện nay".

Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 với tỷ lệ gần 77% phiếu bầu, cho thấy sự ủng hộ lớn của người dân Nga đối với các chính sách đối nội và đối ngoại mà ông thực hiện trong nhiều năm qua.

Về đối ngoại, Putin tìm cách khôi phục vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba, ông đã tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria, biến nước Nga trở thành đối thủ ngang hàng với phương Tây và mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Moskva ở Trung Đông.

Về đối nội, ông củng cố quyền lực và khả năng kiểm soát đối với bộ máy cầm quyền, đưa những người trẻ tới nắm giữ các chức vụ quan trọng ở địa phương, khuyến khích tinh thần dám làm dám chịu của họ nhằm đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận.

Các quyết sách của ông cũng giúp cải thiện đáng kể mức sống, tuổi thọ, thu nhập của người dân Nga, dù kinh tế nước này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận của phương Tây.

Putin hôm qua ký một loạt sắc lệnh vạch ra các mục tiêu trong nhiệm kỳ 6 năm tới của mình, như giảm tỷ lệ đói nghèo và tăng tuổi thọ bình quân của người Nga từ 72 hiện nay lên 78 vào năm 2024. Ông cũng cho thấy sự tiếp nối các chính sách hiện tại bằng cách bổ nhiệm Dmitri Medvedev tiếp tục làm Thủ tướng Nga.

Cho rằng dù Putin được ví như "dũng sĩ diệt con rồng phương Tây", chuyên gia Andrei Kolesnikov của Trung tâm Carnegie Moskva cho rằng Tổng thống Nga khó có thể tự mình giải quyết mọi vấn đề hàng ngày của người dân.

"Putin sẽ đáp lại yêu cầu khôi phục hình ảnh siêu cường của nước Nga, trong khi những vấn đề bình thường hơn sẽ được giao cho các bộ trưởng, thống đốc vùng", Koleshnikov nhận định.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục