Thị trường Trung Quốc hiện đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với ngành hàng cao cấp toàn cầu, khi chiếm khoảng 1/5 thị phần tại thị trường quy mô 325,4 tỷ USD này, theo PwC. Độ tuổi trung bình của khách hàng Trung Quốc là 29 tuổi, trẻ hơn 5 tuổi so với mức trung bình tại các thị trường khác trên thế giới.
Nhóm khách hàng trẻ tuổi Trung Quốc chi trung bình 800 USD/tuần, cao hơn 30% so với phần còn lại của thế giới, theo số liệu của Farfetch Ltd - nền tảng bán lẻ hàng cao cấp.
Theo PwC, nhóm khách hàng Gen Z Trung Quốc với đặc trưng chi tiêu mạnh tay sẽ trở thành nhóm người mua số 1 năm 2025, vượt qua nhóm khách từ Mỹ và châu Âu. Đây cũng chính là lý do các nhãn hàng xa xỉ trên toàn cầu đang trong cuộc đua “thu phục” khách hàng Trung Quốc.
“Thay đổi lớn nhất sau đại dịch là khách hàng Trung Quốc bắt đầu tập trung về dịch vụ và các trải nghiệm cá nhân ở mức cao nhất từ trước tới nay. Khách hàng Trung Quốc tập trung ở đối tượng trẻ hơn, có khả năng chi tiêu mạnh tay và cũng là nhóm khách hàng rất phức tạp, khó chiều”, Judy Liu, Chủ tịch Farfetch Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng cao cấp lớn nhất toàn cầu năm 2025 |
Các nhãn hàng hàng đầu đang mở rộng sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, LVHM Moet Hennessy Louis Vuitton SE, gã khổng lồ ngành hàng cao cấp đang chuyển dịch trọng tâm từ thị trường Hồng Kông sang Đại lục. Hermes International không chỉ khai trương các cửa hàng mới mà còn làm mới diện mạo tại các cửa hàng hiện hữu trong những năm gần đây. Mytheresa vừa mở cửa hàng đầu tiên tại châu Á ở Thượng Hải, nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến tới các khách hàng.
Tất nhiên, thị trường mua sắm trực tuyến hàng hoá cao cấp cũng trở nên sôi động. Các doanh nghiệp hàng xa xỉ hiểu rõ khách hàng trẻ tuổi ưa thích sự tiện lợi, công nghệ và xu hướng mua hàng trực tuyến. Chẳng hạn, khách hàng mua các sản phẩm đặc biệt của Prada SpA trong dịp Tết nguyên đán vừa qua và sẽ được hưởng quyền lợi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Livestream bán hàng của LVMH tại khu vực phía Bắc Trung Quốc thu hút tới 270 triệu người xem năm 2022.
“Các thương hiệu cao cấp không chỉ ra mắt sản phẩm mới mà còn cung cấp các dịch vụ gia tăng nhằm mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, vốn ngày càng ưa chuộng lối sống cân bằng, chiều chuộng bản thân, thay vì chỉ tập trung mua lượng lớn hàng cao cấp như trước đây”, Joann Cheng, CEO Lanvin Group Holdings Ltd cho biết.
Hơn một nửa lượng khách Trung Quốc mua hàng hoá cao cấp sinh sau năm 1990 |
Gen Z, lực lượng trẻ sinh trong giai đoạn 1997-2012 được dự báo sẽ tăng mức chi tiêu gấp 4 lần trong giai đoạn 2019 tới 2035. Tổng chi tiêu năm 2035 của nhóm Gen Z có thể đạt 16 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,3 nghìn tỷ USD), theo báo cáo của China Renaissance.
Một xu hướng đáng chú ý khác là với Gen Z, hàng xa xỉ không chỉ để thoả mãn cuộc sống cá nhân, mà còn là một khoản đầu tư. Ji Zhengyang, 22 tuổi, sinh viên ngành tài chính tại Trùng Khánh cho biết, anh thường chi tiêu khoảng hơn 100.000 nhân dân tệ/năm vào hàng hoá cao cấp. Năm nay, anh tập trung vào mua đồng hồ vì cho rằng đây là khoản đầu tư tốt hơn so với việc chỉ mua quần áo.