Quyền lợi nào cho 400 khách đã đóng 350 tỷ vào dự án vịt giời?

(ĐTCK) Dù kẻ lừa đảo đã bị đền tội với mức án tù cao nhất, nhưng gần 400 khách hàng đã bỏ ra 350 tỷ đồng để mua dự án “ma” mà Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc CTCP Sàn bất động sản Việt Nam và động bọn vẽ ra vẫn chưa hài lòng, khi quyền lợi của họ chưa được bù đắp.
Hàng chục bị hại đã có mặt tại phiên xét xử Lê Hồng Bàng Hàng chục bị hại đã có mặt tại phiên xét xử Lê Hồng Bàng

Như vậy, sau 5 năm kể từ ngày xảy ra vụ án, hành trình đòi lại tài sản đã mất của những khách hàng nhỡ mua phải “vịt trời” vẫn chưa kết thúc. Nhiều người trong số họ đã tập hợp nhau lại làm đơn kháng cáo, trong đó, quan trọng nhất là yêu cầu phát mại hơn 81.000 m2 đất của các bị cáo để trả lại tiền cho các bị hại.

Trước đó, trong 1 tuần, từ ngày 3 - 7/11, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Lê Hồng Bàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, qua nhiều phiên tòa, một lần hủy án, đến nay vẫn chưa thể kết thúc, bởi khiếu nại, kháng cáo kéo dài của người bị hại xung quanh vấn đề thu hồi tài sản.

Gần 400 bị hại đã bỏ ngót 350 tỷ đồng vào các dự án “ma” do Lê Hồng Bàng (SN 1976, trú tại Đồi Cúc, Trung Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) và đồng bọn tạo dựng ra.

Theo hồ sơ vụ án, Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc CTCP Sàn bất động sản Việt Nam (được thành lập năm 2008), đã câu kết với Hoàng Văn Cường, Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Cường Thịnh và Hà Tuấn Linh, Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Hoàng Hà tạo dựng hồ sơ các dự án “ma” trên địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (cũ).

Các dự án này gồm Dự án nhà ở Phương Đông, là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại trên diện tích 25.000 m2. Dự án nhà ở 683, là dự án nhà ở thấp tầng, trên diện tích 10.000 m2. Dự án nhà ở Lộc Hòa, là dự án nhà ở thấp tầng trên diện tích 40.000 m2 và Dự án nhà ở Cửu Long trên diện tích 200.000 m2.

Lê Hồng Bàng đã thuê người vẽ và in ra nhiều tờ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất, bản đồ phân bố, bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các dự án, giấy tờ nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tổ chức san lấp mặt bằng (trái phép)..., rồi quảng bá, giới thiệu về các dự án này.

Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 3 đến tháng 7/2009), vị tổng giám đốc này đã ký 758 hợp đồng nhận vốn góp từ 397 người, thu về hơn 347 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả 4 dự án mà Bàng cùng đồng bọn vẽ ra chỉ là các dự án “ma”, không được bất kỳ cơ quan nhà nước nào phê duyệt. Thậm chí, trong thời gian tổ chức san lấp mặt bằng, công ty của Bàng còn nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính do tự ý thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp.

Khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phanh phui, Bàng mới chỉ trả lại được hơn 63 tỷ đồng cho 82 người. Hiện Bàng cùng đồng bọn vẫn còn chiếm đoạt hơn 283 tỷ đồng của 315 bị hại. Các đối tượng Hoàng Văn Cường, Đặng Hoàng Duy và Hà Tuấn Linh có liên quan trực tiếp đến vụ án này đã bỏ trốn.

Điểm mấu chốt khiến vụ án kéo dài là vấn đề thu hồi tài sản phạm tội. Lê Hồng Bàng và Cường, Linh tổ chức thu mua đất nông nghiệp, tổ chức san lấp mặt bằng trái phép thông qua Đoàn Văn Kim. Thu giữ tài liệu tại CTCP Sàn bất động sản Việt Nam cho thấy, có những chứng từ chi tạm ứng để trả tiền nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Trên cơ sở giấy biên nhận tiền và lời khai, có 34 hộ dân đã chuyển nhượng đất nông nghiệp với tổng diện tích là 81.069 m2 và nhận số tiền là 21,3 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, Lê Hồng Bàng đã tổ chức san nền trái phép và nhiều lần bị UBND huyện Từ Liêm lập biên bản, xử phạt.

Các nhà đầu tư đã đổ tiền cho Lê Hồng Bàng cho rằng, diện tích hơn 81.000 m2 đất mà Đoàn Văn Kim đứng ra mua theo chỉ đạo của Bàng đã được chi trả bằng số tiền của họ. Sau khi thu tiền của khách hàng, Bàng đã dùng tiền để mua đất thông qua Kim. Các chứng từ cơ quan điều tra thu giữ được đã thể hiện điều này. Do đó, theo các bị hại, cần thu hồi, phát mại diện tích hơn 81.000 m2 đó để chi trả cho họ.

Các bị hại cũng không chấp nhận quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát khi cho rằng, diện tích đất này mua bán không hợp pháp, không phải là tài sản của Bàng.

Chính việc xử lý 81.000 m2 đất này là mấu chốt khiến cho vụ án kéo dài dai dẳng. Đây là cái “cọc” duy nhất mà những người đã mất tiền trong vụ án này hy vọng bám vào để vớt vát phần nào tài sản bị mất.

Tuy nhiên, sau khi nghị án kéo dài, đến chiều ngày 7/11, với nhận định, đây là giao dịch chuyển nhượng đất nông nghiệp bất hợp pháp, kết quả điều tra cho thấy, không xác định được đây là tài sản của Lê Hồng Bàng, yêu cầu của các bị hại không có căn cứ để chấp nhận, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã bác yêu cầu này. Đồng thời, Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án tù chung thân với Lê Hồng Bàng.

Không chấp nhận với phán quyết này, các bị hại cho biết, họ sẽ tiếp tục làm đơn kháng cáo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản:

Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665).

Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Phát hành

Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281
TP. HCM: 178 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3- ĐT: 08 39305311 - 08 39305316/Fax: 08 39305317 - 08 39305318

Hoàng Duy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục