Quyền không làm của nhà đầu tư và chuyện đổi mới chính sách

Việt Nam đang xây dựng định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do vậy việc điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư nhằm phục vụ thu hút FDI theo đúng định hướng là cần thiết.
Tất cả ưu đãi mà các tập đoàn lớn như LG, Intel… nhận được đều trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Tất cả ưu đãi mà các tập đoàn lớn như LG, Intel… nhận được đều trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Quyền… không làm của nhà đầu tư và những tiếng nói trái nhiều

Câu chuyện với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam lại bắt đầu từ chữ “quyền”. “Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều quyền, quyền cho đầu tư dự án này hay dự án kia, cho ưu đãi này hay ưu đãi kia… Nhưng nhà đầu tư chỉ có một quyền duy nhất, đó là quyền… không làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Câu chuyện tưởng là… đùa, mà hóa thật. Nhà đầu tư có quyền không đầu tư nữa. “Mà đã không làm thì không có gì xảy ra cả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đó là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến những quan điểm gần đây rằng, đã có những bất bình đẳng trong ưu đãi thuế giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, và vì thế, doanh nghiệp Việt đã yếu lại càng yếu thêm, bị khu vực FDI chèn ép. Và rằng, khu vực FDI được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng lợi ích mang lại không được bao nhiêu…

“Kể từ năm 2005 trở lại đây, khi chúng ta ban hành Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp chung, thì các chính sách ưu đãi đầu tư là công bằng cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI không hề được hưởng ưu đãi riêng nào, mà thậm chí đến nay vẫn còn chịu những rào cản nhất định trong việc tiếp cận thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chia sẻ với nhận định này của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường đại học Fulbright cho rằng, có thể xu thế gần đây, nhiều tập đoàn lớn, như Intel, Samsung, LG… khi đề xuất các dự án đầu tư vào Việt Nam cũng đồng thời đề nghị nhiều cơ chế ưu đãi, khiến dư luận nghĩ rằng khu vực FDI được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những ưu đãi mà các tập đoàn lớn nhận được cũng đều là trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Có chăng, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Samsung, LG hay các doanh nghiệp FDI nói chung khác đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hơn so với doanh nghiệp trong nước là vì đáp ứng được nhiều hơn các tiêu chí về ưu đãi đầu tư mà Việt Nam đặt ra, chứ không phải vì chính sách của Việt Nam bất bình đẳng, trọng FDI hơn.

“Nếu không có ưu đãi đầu tư, nhất là trong giai đoạn đầu tiên, thì làm sao chúng ta thu hút được nhiều FDI như vậy. Không có ưu đãi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không vào Việt Nam, mà có thể đầu tư sang các nước khác, nếu vậy, làm sao có những đóng góp về việc làm, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế…”, ông Thành nói.

Thực tế, ngay từ những năm tháng đầu tiên Việt Nam mở cửa thu hút FDI, các chính sách ưu đãi đầu tư đã được xây dựng, và trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, các chính sách ưu đãi này đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thu hút được 334 tỷ USD vốn FDI, trong đó 185 tỷ USD đã được đưa vào giải ngân. “Các chính sách ưu đãi đầu tư là cần thiết và quan trọng trong thu hút FDI. Không chỉ Việt Nam mà hầu hầu các quốc gia thường đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn mình mong muốn”, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam cho biết.

Đau đầu tính hai mặt của chính sách ưu đãi đầu tư

Mặc dù khẳng định các chính sách ưu đãi đầu tư là cần thiết và quan trọng để thúc đẩy thu hút FDI trong giai đoạn vừa qua, song tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng, quá trình triển khai thực hiện, đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế.

Cụ thể, các chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là về thuế đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đầu, khi Việt Nam tận dụng lợi thế so sánh tĩnh để gia tăng số lượng vốn FDI, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, những chính sách này đã giảm dần tác dụng do khá dàn trải, đa dạng về ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư; tiêu chí, điều kiện và thủ tục để hưởng ưu đãi quy định tương đối đơn giản đã và đang làm xuất hiện xu hướng nhà đầu tư lạm dụng ưu đãi, thành lập dự án mới khi hết thời hạn ưu đãi đầu tư.

“Các chính sách ưu đãi, riêng về thuế hiện nay đang áp dụng ở 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 37 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhưng qua triển khai thì bộc lộ khá nhiều hạn chế nên chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư vào các địa bàn, khu vực khó khăn. Hơn nữa, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, ưu đãi thuế, một số doanh nghiệp đã trốn tránh nghĩa vụ và trục lợi chính sách thuế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nói.

Chưa kể, theo ông Bùi Ngọc Tuấn, các chính sách ưu đãi thuế đang nghiêng về ưu đãi theo địa bàn hơn là theo lĩnh vực. Trong khi đó, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý; các mức chính sách ưu đãi thuế còn khá cứng nhắc, nhiều trường hợp các nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư.

Hơn nữa, một điều không kém phần quan trọng, đó là với cơ chế hiện nay, các nhà đầu tư mặc nhiên được hưởng các ưu đãi đầu tư được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà chưa dựa trên hiệu quả thực tế hoạt động, ảnh hưởng tới lợi ích của địa phương, của đất nước. Trong khi đáng lẽ ra, phải có những ràng buộc về về cam kết thực hiện, hiệu quả dự án thì mới được hưởng những chính sách ưu đãi đầu tư như vậy.

Đã đến lúc phải đổi mới chính sách

Không phải chỉ vì các hạn chế của chính sách ưu đãi đầu tư, mà với việc đề ra định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đã đến lúc cần phải điều chỉnh, hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng hình thành khung phân loại trọng tâm, trọng điểm ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, gắn với đia phương và vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn. Đồng thời, cần xây dựng các bộ tiêu chí các mức ưu đãi theo hướng hiện thực hóa chủ trương hậu ưu đãi một cách minh bạch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính sách ưu đãi cần được đa dạng hóa và cụ thể hóa thành các tiêu chí theo quy mô, lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm, phạm vi, trách nhiệm xã hội được thể hiện trong báo cáo kết quả thực hiện của doanh nghiệp để cơ quan quản lý nhà nước quyết định các mức ưu đãi khác nhau. Các căn cứ để xác định ưu đãi là các lợi ích tổng thể mà dự án đem lại cho nền kinh tế, từ trình độ công nghệ, số lượng lao động, giảm tiêu hao năng lượng, lĩnh vực phù hợp với định hướng tăng cường chuỗi cung ứng…

Trên thực tế, khi xây dựng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030, các chuyên gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã đề xuất việc Việt Nam phải thay đổi các chính sách ưu đãi đầu tư,  Việt Nam cần phải thay đổi chính sách thu hút FDI từ “mở cửa” sang “chủ động”, phải làm sao để việc thu hút FDI phục vụ cho mục tiêu “nâng cấp” nền kinh tế Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh ấy, các chính sách ưu đãi đầu tư buộc phải được thiết kế lại để hướng dòng vốn FDI đến được đúng nơi cần đến, đúng mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra. Do vậy, không thể áp dụng chính sách ưu đãi chung theo quy mô, hay theo lĩnh vực như hiện nay, mà phải phân theo từng cấp độ, từng khu vực, từng lĩnh vực khác nhau.

“Sẽ là có lợi hơn cho Việt Nam hơn nếu cải thiện được danh mục các lĩnh vực được hưởng ưu đãi nhằm xác định tốt hơn những nhà đầu tư có khả năng thích ứng tốt nhất với các chính sách ưu đãi. Việc áp dụng một khung chính sách ưu đãi đầu tư dựa trên hiệu quả đầu tư sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, nhất là kèm theo cơ giám sát hậu kiểm chặt chẽ…”, ông  Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực Tư nhân, IFC nói. 

Còn GS. Nguyễn Mại đã đề cập những định hướng mới trong thu hút FDI của Việt Nam liên quan đến địa phương, vùng và lĩnh vực để cho rằng, tới đây, nên tập trung thu hút FDI theo 3 cấp độ và theo đó. “Cấp độ 1 là ở TP.HCM và Hà Nội, có chính sách ưu đãi cho những lĩnh vực công nghệ của tương lai. Cấp độ 2 là ở những địa phương đã phát triển, ví như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương… Cấp độ 3 là những tỉnh, thành phố ở xa, chấp nhận những lĩnh vực như dệt may, da giày, những lĩnh vực thâm dụng lao động, có thể có ảnh hưởng đến môi trường nhưng phải có cách để khắc phục điều đó. Cần có chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp cho từng cấp độ này, để có thể hóa giải chênh lệch thu hút đầu tư giữa các vùng, miền, giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau”, GS. Nguyễn Mại nói.

Ở một góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc nghiên cứu áp dụng cơ chế ưu đãi linh hoạt trên cơ sở đàm phán với nhà đầu tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác tiềm năng, nhất là các tập đoàn đa quốc gia trong một số dự án đặc biệt quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa cao…

Đề xuất này trên thực tế đã từng được TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề cập cách đây ít lâu. Theo ông Thiên, thì nên coi những tập đoàn lớn như vậy là đối tác đầu tư chiến lược cấp quốc gia để dành những ưu đãi đầu tư, thậm chí là thể chế vượt trội cho họ.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, lãnh đạo một tập đoàn lớn đang đầu tư ở Việt Nam mặc dù cho rằng “được vậy là quá tốt”, nhưng ông cũng lo ngại các ý kiến trái chiều từ dư luận Việt Nam rằng, khu vực FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi. “Thực ra, điều chúng tôi mong chờ là các chính sách ưu đãi được quy định một cách minh bạch, thống nhất và dễ tiên lượng”, vị này nói.

Nguyên Đức ​
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục