Quỹ trái phiếu đã đón dòng tiền 12.900 tỷ đồng

(ĐTCK) Dòng tiền đã quay trở lại với các quỹ trái phiếu, sau khoảng thời gian thị trường gặp nhiều khó khăn.

Quỹ trái phiếu là quỹ mở tập trung đầu tư vào các loại chứng khoán có thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, hay các loại giấy tờ có giá trị khác. Mục tiêu chính của quỹ trái phiếu là tạo ra thu nhập ổn định và dài hạn cho các nhà đầu tư.

Trong giai đoạn thị trường trái phiếu biến động mạnh năm 2022-2023, khi nhiều scandal liên quan tới các tổ chức phát hành diễn ra, các quỹ trái phiếu cũng gặp nhiều khó khăn khi nhà đầu tư bán ròng mạnh và rút tiền khỏi thị trường trái phiếu.

Bước sang năm 2024, dòng tiền đảo chiều vào ròng mạnh ở các quỹ trái phiếu (gần 12.900 tỷ đồng), phần lớn thuộc về Quỹ Đầu tư Trái phiếu Techcom (TCBF). Trong tương quan so sánh, nhóm quỹ cổ phiếu ghi nhận rút ròng kỷ lục (-27.500 tỷ đồng), chủ yếu rút ròng ở nhóm quỹ thụ động (ETF DCVFMVN DIAMOND và Fubon FTSE Vietnam ETF), theo số liệu của FiinTrade.

2024 cũng là năm mà các quỹ trái phiếu có hiệu suất đầu tư tích cực. Cụ thể, các quỹ đầu tư trái phiếu tiếp tục có hiệu suất ổn định trong năm 2024 với 19/23 quỹ trái phiếu có mức sinh lợi cao hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank (4,6%/năm).

Hiệu suất của các quỹ đầu tư trái phiếu trong những năm gần đây

Trong đó, Quỹ TCBF tiếp tục đứng đầu với hiệu suất vượt trội so với mặt bằng chung (13,7%), nhưng vẫn thấp hơn so với hiệu suất năm 2023 (32,16%). Đứng thứ hai là Quỹ Trái phiếu MB (MBBOND) với đà tăng 8,3%.

Ngược lại, Quỹ Trái phiếu lợi tức cao HD (HDBond) là quỹ trái phiếu duy nhất có hiệu suất âm (-0,3%) với danh mục phân bổ 44,4% vào trái phiếu, 13,7% vào cổ phiếu và phần còn lại chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, trái phiếu của VietCredit và cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của HDBond.

Về dài hạn, hiệu suất nhóm quỹ đầu tư trái phiếu khá tích cực khi lợi nhuận đều tốt hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng (5,3%/năm) và lãi suất tiết kiệm 60 tháng (6,8%/năm) của Vietcombank.

Thực tế, tuy hiệu quả đầu tư của các quỹ trái phiếu không đạt mức tăng trưởng cao như nhóm quỹ cổ phiếu, nhưng hiệu suất ổn định qua các năm. Trong khi đó, nhóm quỹ cổ phiếu đạt mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2024 (tăng 20%), tuy nhiên hiệu suất trung bình ở mức thấp hơn (10,3%) trong khung thời gian 5 năm và âm -0,8% trong giai đoạn 3 năm, chủ yếu do khoản lỗ lớn vào năm 2022. Điều này cho thấy sự thiếu ổn định của nhóm quỹ này trong dài hạn.

Trong năm 2024, xu hướng dòng vốn quay trở lại nhóm quỹ trái phiếu diễn ra trên diện rộng, ghi nhận ở 14/23 quỹ, nhưng tập trung phần lớn ở Quỹ Đầu tư Trái phiếu Techcom (TCBF) của Techcombank và Quỹ Trái phiếu Việt Nam (DCBF) do Dragon Capital quản lý.

Top quỹ có dòng tiền vào/ra (ròng) năm 2024

“Năm 2024 là năm nổi bật của các quỹ trái phiếu với dòng tiền ròng dương trở lại và hiệu suất ổn định (mặc dù một số quỹ khác vẫn chịu áp lực rút vốn nhẹ). Điều này phản ánh sự chuyển dịch ưu tiên của nhà đầu tư sang các sản phẩm an toàn và ít biến động”, FiinTrade nhận định.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục