Triển vọng thêm quỹ thành viên
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tính đến hết tháng 11/2015, trong tổng số 28 quỹ đầu tư chứng khoán đang hoạt động, có 17 quỹ mở, 9 quỹ thành viên và 2 quỹ ETF...
Trái ngược với việc thành lập mới các quỹ mở có dấu hiệu chững lại vì hiệu quả hoạt động kém ấn tượng, chưa có thêm dư địa phát triển mới, quỹ thành viên đang có xu hướng trỗi dậy trong thời gian gần đây.
Vì tính chất không đại chúng, sự xuất hiện của quỹ thành viên không ầm ĩ như sự ra mắt của các quỹ mở. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của quỹ thành viên có quy mô vốn lên đến cả nghìn tỷ đồng, quỹ thành viên đang khiến nhiều quỹ mở phải... ghen tị.
Một quỹ thành viên mới ra đời gần đây là Quỹ Đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF), do Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund) quản lý. Với quy mô vốn ban đầu 1.000 tỷ đồng, BVIF hiện là một trong những quỹ thành viên nội địa có quy mô vốn lớn nhất thị trường hiện nay.
Về bản chất, Quỹ thành viên là một dạng Quỹ đầu tư chứng khoán, tuy nhiên, quỹ này chỉ giới hạn ở một số ít NĐT tham gia góp vốn. Mục tiêu chủ yếu của việc thành lập các Quỹ thành viên là để thực hiện các hoạt động đầu tư có tính chất tương đối mạo hiểm.
Đây là mức vốn đáng mơ ước với nhiều công ty quản lý quỹ, bởi họ đang đối mặt với bài toán hóc búa là làm cách nào có thể huy động vốn để thành lập các quỹ mới…
Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu sau khi mua và tái cơ cấu thành công một công ty quản lý quỹ hoạt động kém ấn tượng, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ không giấu giếm tham vọng, công ty đang lên kế hoạch huy động vốn để thành lập quỹ thành viên có quy mô vốn ban đầu vài trăm tỷ đồng vào đầu năm tới. Quỹ sẽ đặt trọng tâm vào tìm kiếm cơ hội đầu tư trong quá trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi hàng loạt các DN…
“Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai hiệu quả một số quỹ thành viên trong những năm qua, đồng thời tận dụng lợi thế đã mang lại lợi nhuận khả quan cho NĐT, chúng tôi đang có kế hoạch huy động vốn từ NĐT trong và ngoài nước để thành lập quỹ thành viên trong tương lai gần…”, Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ có kinh nghiệm trong huy động vốn từ thị trường nước ngoài chia sẻ.
Theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành, thời gian tới sẽ xuất hiện thêm một số quỹ thành viên mới, với quy mô vốn gấp hàng chục lần so với quy mô của các quỹ mở đang hoạt động.
Cơ hội đầu tư rộng mở
Theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ, dư địa phát triển mới đối với các quỹ thành viên đang hiện hữu, với nhiều yếu tố hấp dẫn nhờ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đang được thúc đẩy, nới room đang dần trở nên hiện hữu hơn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số hiệp định thương mại quan trọng khác sắp được ký kết và triển khai, hé mở làn sóng mua bán, sáp nhập DN bùng nổ trong thời gian tới…
Những yếu tố trên, như ông Đậu Minh Lâm, Tổng giám đốc Baoviet Fund chia sẻ tại buổi ra mắt Quỹ BVIF mới đây, đang mang lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các quỹ thành viên. Đây cũng là một trong những lý do giúp Baoviet Fund huy động được số vốn lớn để thành lập quỹ trong bối cảnh huy động vốn để lập quỹ đầu tư mới trên TTCK đang đối mặt với không ít khó khăn.
Quỹ BVIF đặt trọng tâm đầu tư vào các đợt IPO, cổ phần hóa DNNN; mua - bán, tái cấu trúc DN; các đợt thoái vốn ngoài ngành… với định hướng trở thành cổ đông lớn để có thể cùng tham gia vào hoạt động quản trị của DN, nhằm tạo ra giá trị gia tăng mới...
Cơ hội nhiều là vậy, nhưng sẽ chỉ mở ra cho các công ty quản lý quỹ có kinh nghiệm trong hoạt động, có thành tích đầu tư tốt, cũng như có lợi thế trong huy động vốn thành lập quỹ mới.
Đại diện UBCK nhìn nhận, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đang được thúc đẩy mang lại cơ hội đầu tư mới cho các quỹ thành viên. Ở chiều ngược lại, với năng lực tốt về vốn, quản trị DN…, sự tham gia của các công ty quản lý quỹ sẽ góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đạt kết quả tích cực cả về lượng và chất, đặc biệt là triển vọng giúp DN nâng cao chất lượng quản trị hậu cổ phần hóa, gia tăng tính minh bạch và cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Thông tư 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 của Bộ Tài chính, Quỹ thành viên huy động vốn bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho một nhóm nhỏ các NĐT, có thể được lựa chọn trước, là các cá nhân hay các định chế tài chính hoặc các tập đoàn kinh tế lớn, do vậy tính thanh khoản của quỹ này sẽ thấp hơn quỹ công chúng. Về bản chất, Quỹ thành viên là một dạng Quỹ đầu tư chứng khoán, tuy nhiên, quỹ này chỉ giới hạn ở một số ít NĐT tham gia góp vốn. Mục tiêu chủ yếu của việc thành lập các Quỹ thành viên là để thực hiện các hoạt động đầu tư có tính chất tương đối mạo hiểm. Với tính chất rủi ro như vậy, quỹ thành viên không phù hợp với việc huy động vốn từ công chúng. Quy mô và phạm vi huy động vốn của quỹ chỉ tập trung vào một số ít NĐT lớn, có tiềm lực tài chính và có khả năng chấp nhận rủi ro cao trong hoạt động đầu tư. Chính vì vậy, để tham gia vào quỹ thành viên, các NĐT phải đạt được những điều kiện nhất định do pháp luật đặt ra. Theo quy định của Bộ Tài chính, việc thành lập quỹ thành viên phải có vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng; Có tối đa 30 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân trong nước, tổ chức nước ngoài; Tài sản của quỹ được lưu ký tại một ngân hàng lưu ký độc lập với công ty quản lý quỹ. |