Khai mạc Hội thảo, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, theo chiến lược đến năm 2025, Quy Nhơn và vùng phụ cận sẽ trở thành một trong những khu đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị du lịch ven biển của miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ và du lịch, trong đó trọng tâm là dịch vụ và cảng biển.
Tại Hội thảo, Công ty Tư vấn Arep Ville (Pháp) phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã giới thiệu các phương án ý tưởng quy hoạch xây dựng TP. Quy Nhơn đến năm 2035 trở thành một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.
Theo Arep Ville, để quy hoạch TP. Quy Nhơn phát triển đúng tầm, thì cần dựa trên những đánh giá cơ bản nhất về thực trạng hiện tại của Quy Nhơn, qua đó, hướng đến việc nhận diện kết cấu đô thị mà Quy Nhơn cần hướng đến.
Trên cơ sở đó, Arep Ville đã đưa ra 3 kịch bản mà trong thời gian tới, Quy Nhơn có thể lựa chọn định hướng phát triển của mình, bao gồm: thay đổi toàn diện; phát triển hài hòa biển và thương mại và phát triển cân bằng có trọng tâm.
Kịch bản thứ nhất là thay đổi toàn diện TP. Quy Nhơn “lấy lợi ích, tránh rủi ro”. Phương án này giúp Quy Nhơn phát triển mạnh, đưa Thành phố lên tầm quốc tế, với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu.
Ở kịch bản này, Arep Ville đề xuất xây dựng Quy Nhơn thành 8 khu chức năng, bao gồm khu nông nghiệp, thành phố vườn - đô thị sinh thái, cụm công nghiệp nhẹ, cụm logistics, nhà ở xã hội, công nghiệp lọc hóa dầu, cụm cảng Quy Nhơn và thành phố lịch sử hiện hữu.
Kịch bản thứ hai được Arep Ville gọi là “Biển và thương mại - phát triển hài hòa”. Phương án này nhấn mạnh sự phát triển hài hòa, khai thác các yếu tố biển và thương mại biển. Với phương án này, Quy Nhơn sẽ phân thành 6 khu chức năng, gồm thành phố vườn - đô thị sinh thái, cụm công nghiệp nhẹ, cụm logistics, nhà ở xã hội dịch vụ, cụm cảng Quy Nhơn, thành phố lịch sử hiện hữu.
Ở kịch bản thứ 3, Arep Ville hướng đến phát triển Quy Nhơn cân bằng có trọng tâm. Theo đó, Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn duy trì đà phát triển theo quy mô đã quy hoạch, trọng tâm là dịch vụ cảng biển và công nghiệp nhẹ.
Nhận xét về ba phương án này, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng Nhóm tư vấn Vùng duyên hải miền Trung tán thành việc cần nhận diện đô thị Quy Nhơn và cần phải đầu tư kết cấu hạ tầng, đưa Quy Nhơn phát triển.
Ông Lịch lấy Singapore ra làm ví dụ, bởi Singapore cũng có tổ hợp lọc hóa dầu công suất 30 triệu tấn/năm, cũng có hệ thống cảng biển vào hạng lớn ở châu Á, nhưng vẫn phát triển, trở thành thành phố xanh - sạch, thân thiện với môi trường tốt nhất châu Á.
“Vấn đề ở đây là, chúng ta cần phải quy hoạch, bố trí như thế nào để đảm bảo phát triển hài hòa, cân bằng và giảm thiểu rủi ro để hướng đến phát triển đô thị bền vững”, ông Lịch nhấn mạnh.