Cổ đông ngoại bán ra
Kể từ cuối tháng 8 đến nay, Quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) liên tục bán ra cổ phiếu JVC. Cụ thể, ngày 25/8/2021, quỹ này bán ra 1.580.800 cổ phiếu; ngày 31/8/2021, bán ra 886.300 cổ phiếu; ngày 1/9/2021, bán ra 3.113.700 cổ phiếu và đến ngày 7/9/2021 bán ra 1.705.400 cổ phiếu.
Như vậy, sau 4 lần bán ra, quỹ đầu tư ngoại này đã bán ra tổng cộng hơn 7,286 triệu cổ phiếu JVC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11% về còn 4,12% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại Công ty.
Việc Quỹ PYN thoái vốn khỏi JVC diễn ra khi thị giá cổ phiếu này tăng mạnh. Cụ thể, từ ngày 13/7/2021 đến ngày 14/9/2021, giá cổ phiếu JVC đã tăng 56,9%, lên 5.490 đồng/cổ phiếu, lọt vào nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất thị trường trong cùng giai đoạn.
Đây cũng là giai đoạn các cổ phiếu ngành dược “vào sóng”. Thậm chí, cổ phiếu CDP (Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha), cổ phiếu DVN (Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP) còn tăng mạnh hơn, với mức tăng lần lượt là 73,3% và 59,6% trong cùng mốc thời gian.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu dược dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư về sức cầu với các sản phẩm thuốc và chăm sóc sức khỏe tăng cao trong đại dịch Covid-19, nhóm công ty dược sẽ cải thiện về hiệu quả kinh doanh.
Các cổ phiếu ngành dược thường có thanh khoản tương đối thấp, do cơ cấu sở hữu khá cô đặc, vì vậy, khi có dòng tiền tham gia, thị giá của các cổ phiếu này nhanh chóng được đẩy lên.
Ngoài yếu tố kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu thị trường thì đà tăng của cổ phiếu JVC còn diễn ra ngay sau khi có những thay đổi về nhân sự chủ chốt của Công ty. Theo đó, ngày 13/7/2021, Hội đồng quản trị JVC miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Nguyễn Việt Cường để bổ nhiệm ông này vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Thay thế vị trí Giám đốc của ông Cường là ông Lê Minh Chung. Trước đó, ông Chung từng có 15 năm đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc và Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV và có thời gian ngắn làm Phó tổng giám đốc JVC.
Việc PYN Elite Fund thoái vốn khỏi JVC có thể xem là động thái tranh thủ chốt lời của quỹ đầu tư đến từ Hà Lan khi thị giá cổ phiếu này đã “chạy” đến điểm kỳ vọng.
JVC tiếp tục lao dốc sau cú sốc 2015
Trở lại với câu chuyện nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp dược và thiết bị vật tư y tế được cải thiện trong đại dịch Covid-19, một lãnh đạo doanh nghiệp dược đầu ngành cho biết, hiện nay, nguồn cung thuốc, thiết bị y tế, nguyên liệu dược phẩm trên thế giới đang rất khan hiếm, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu… đang ưu tiên cung cấp trong nước, thay vì xuất khẩu.
Việc nhập khẩu thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một số công ty dược chủ yếu là hỗ trợ Chính phủ và gần như không có lợi nhuận cho doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp dược, vật tư, thiết bị y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Với JVC, ngoài những thách thức chung của ngành, Công ty lại có những vấn đề riêng. Năm 2015, giới đầu tư “té ngửa” khi JVC - vốn được xem là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả - lộ ra khoản lỗ gần 1.000 tỷ đồng, chiếm 88% vốn điều lệ.
Sáu năm kể từ cú sốc đó, JVC vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục, thậm chí thời gian gần đây còn có dấu hiệu gia tăng thua lỗ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2019, Công ty báo lãi trở lại, với tổng cộng 24,7 tỷ đồng, thì năm 2020 lại lỗ tới 76,7 tỷ đồng, xoá toàn bộ thành quả trong 3 năm trước đó. Báo cáo tài chính quý I niên độ tài chính 2021 (từ 1/4/2021 - 30/6/2021) của JVC cho thấy, trong kỳ, Công ty lỗ hơn 363,82 triệu đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 1.092,2 tỷ đồng, tương đương 97,1% vốn điều lệ.
Theo quy định hiện hành, cổ phiếu sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc khi lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ hoặc lỗ 3 năm liên tiếp. Nếu trong năm 2021, tình trạng thua lỗ không được khắc phục và Công ty cũng không tăng vốn điều lệ thành công thì nguy cơ bị hủy niêm yết rất cận kề.
Tính tới 30/6/2021, JVC ghi nhận dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 1.201,6 tỷ đồng, chủ yếu đây là dự phòng trích lập năm 2015.
Cụ thể, trong năm 2015, Ban Giám đốc Công ty đã quyết định trích lập 1.125,3 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, chủ yếu liên quan tới các giao dịch với các bên liên quan của Ban lãnh đạo cũ, gồm các khoản phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và phải thu khác.
Chính hoạt động kiểm soát khoản phải thu kém trong quá khứ và đặc biệt là các giao dịch liên quan của Ban lãnh đạo đã dẫn tới tình hình kinh doanh của Công ty lao dốc, nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn trong quá khứ.
Cụ thể, từ ngày 25/5/2015 đến 2/10/2015, cổ phiếu JVC liên tục giảm, xuất hiện nhiều phiên giao dịch giảm sàn liên tiếp với mức giảm 81,7%, rơi về còn 4.200 đồng/cổ phiếu và sau nhiều năm cổ phiếu vẫn chỉ giao dịch xung quay vùng giá thấp này.
Có thể thấy, mặc dù đã trải qua nhiều năm tái cơ cấu nhưng JVC vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Trước khi Quỹ PYN Elite thoái vốn tại Công ty, đầu tháng 4/2021, cổ đông lớn Nguyễn Văn Hiếu đã cũng bán ra 16.267.970 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 19,35% về còn 4,89% vốn điều lệ. Đây là một chỉ báo thiếu tích cực về sức khỏe tài chính của Công ty.
Dòng tiền trên thị trường đang tập trung vào các cổ phiếu nhỏ, thậm chí có kết quả kinh doanh yếu kém, trong đó có JVC, giúp các cổ phiếu này đạt mức tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, việc nhiều nhà đầu tư “đua” theo con sóng này, mà phớt lờ sức khỏe của doanh nghiệp sẽ tiềm ẩn nguy cơ “sau đỉnh cao sẽ là vực sâu”.