Quỹ ngoại ngược dòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước kéo dài đà bán ròng, thì khối nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các quỹ, liên tục mua ròng cổ phiếu.

Sức hút khối ngoại

Với việc Quỹ VanEck Vietnam ETF sẽ thay đổi chỉ số cơ sở sang MarketVector Vietnam Local Index - chỉ gồm các cổ phiếu Việt Nam có tính thanh khoản cao (so với hiện tại là tỷ trọng 70% cổ phiếu Việt Nam), hầu hết các cổ phiếu có trong rổ chỉ số mới (gồm 42 mã) nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi khi được Quỹ mua ròng.

Trong 1 tháng qua, Quỹ VanEck đã huy động được hơn 2.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ mua ròng hơn 110 triệu USD trong kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 3/2023.

Nhiều quỹ khác như Fubon, VNDiamond cũng thu hút được dòng tiền của khối ngoại. Việc dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam thời gian gần đây không khó hiểu khi kinh tế giữ được mức tăng trưởng cao, lạm phát ổn định, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn bất ổn. Bên cạnh đó, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp, hấp dẫn đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, vài tháng qua, các quỹ ETF liên tục huy động ròng và mua ròng. Luồng tiền ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi diễn biến thị trường thế giới dần đi vào ổn định hơn, đồng USD tạo đỉnh và nhiều thị trường chứng khoán lớn đã có mức tăng nhanh, vượt đường MA200.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện có tháng mua ròng thứ ba liên tiếp, với giá trị 160 triệu USD và trải rộng khắp các ngành, chủ yếu là chứng khoán, bất động sản và nguyên vật liệu.

Theo Công ty Chứng khoán ACB, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng rót vốn vào một số thị trường châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, là những thị trường được hưởng lợi từ lo ngại về suy thoái tại Mỹ, châu Âu và kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Thời điểm này, có một số điểm tiếp tục ủng hộ dòng tiền của các quỹ tại thị trường Việt Nam như tỷ giá ổn định quanh mức của tháng 6/2022, điểm số thị trường đang ở vùng thấp của năm 2022. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán nhiều nước trên thế giới hiện cao hơn mức đỉnh năm 2022 như Pháp, Anh, hoặc tiệm cận đỉnh như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…

Đại diện Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ, trong quá trình trao đổi với các quỹ đầu tư, Công ty đều ghi nhận đánh giá chung, đó là mặt bằng định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ và hấp dẫn. Kỳ vọng, xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ được duy trì trong nửa đầu năm 2023, qua đó kích thích dòng tiền nội tham gia tích cực trở lại.

Đà mua ròng có thể giảm tốc

Dựa trên quan sát các chuyển động của khối ngoại, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, xu hướng mua ròng của khối ngoại có khả năng giảm tốc trong thời gian tới.

Thứ nhất, trên biểu đồ giá trị mua ròng của khối tổ chức nước ngoài và tương quan với VN-Index, khối này chỉ tập trung mua gom khi chỉ số điều chỉnh sâu về vùng 1.000 điểm.

Thứ hai, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ so với khu vực Đông Nam Á, nhưng không rẻ nếu so với Trung Quốc, nên có thể gặp áp lực cạnh tranh nguồn vốn từ thị trường lớn này. Định giá P/E của sàn Shanghai Stock Exchange hiện khoảng 2 lần, còn Hang Seng là 8 lần, trong khi P/E thị trường Việt Nam là hơn 10 lần.

Theo DSC, đà mua ròng của khối ngoại khó có thể duy trì tình trạng ồ ạt như khi chỉ số ở vùng đáy, nhưng đây vẫn là yếu tố tích cực. Đặc biệt, tác nghiệp của các công ty chứng khoán trong vai trò là nhà tư vấn cho đối tác ngoại cho thấy, có không ít dòng tiền lớn đang chờ chực đăng ký để được tham gia thị trường Việt Nam.

Về phía nhà đầu tư trong nước, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận xét, tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn thận trọng. Ở vùng đáy vĩ mô, tin tức không tránh khỏi chiều hướng tiêu cực, khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân bi quan, dù vẫn có những thông tin hỗ trợ thị trường như lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh, lãi suất huy động hạ nhiệt.

“Hiện tại, với tâm lý bi quan, nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước có khả năng sẽ bị bỏ lại phía sau và chỉ tham gia khi FOMO (mua đuổi với tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội). Năm 2021 - 2022, chúng ta đã thua khi khối ngoại liên tục bán, hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi khối nội mua đuổi. Sau khi thị trường điều chỉnh, định giá ở mức thấp, khối ngoại liên tục mua ròng từ tháng 11/2022 đến nay. Khối nội có thể lại thua, nếu không kiểm soát được yếu tố tâm lý và vượt qua nỗi sợ”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên nói và kỳ vọng: “Trong vòng 3 tháng tới, thanh khoản cũng như dòng tiền trên thị trường sẽ theo chiều hướng tích cực hơn”.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục