Quỹ mở sẽ bứt phá

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Thái Thuận, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth tin tưởng, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong vài năm tới, ngay cả khi trên thị trường chứng khoán xuất hiện những sản phẩm đầu tư mới hấp dẫn như chứng khoán phái sinh.
Quỹ mở sẽ bứt phá

Bà có nhìn nhận như thế nào về xu hướng phát triển quỹ mở tại Việt Nam?

Quỹ mở có thể mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận cao hơn so với việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng, hiện có mức lãi suất khá thấp. Hơn nữa, việc bỏ vốn vào các quỹ mở cũng phù hợp với những người chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, quỹ mở không thu hút được nhà đầu tư, một phần xuất phát từ tâm lý e ngại của giới đầu tư trước hình thức đầu tư mới, một phần do thị trường chứng khoán giảm sâu vài năm trước, dẫn đến hiệu quả đầu tư của các quỹ chưa thực sự tốt.

Mãi đến những năm 2015 - 2016, các quỹ mở nội địa mới bắt đầu khởi sắc khi các điều kiện thị trường cải thiện hơn và hình thức đầu tư này cũng đã phổ biến hơn.

Tất nhiên, tương lai phía trước của ngành quản lý quỹ nói chung và các quỹ mở nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Các công ty quản lý quỹ nội địa phải tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu và mất nhiều thời gian, công sức để nhà đầu tư quen thuộc với loại hình đầu tư mới.

Điều quan trọng là phải xây dựng được niềm tin của khách hàng. Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư hiểu về quỹ mở và chứng kiến hiệu quả hoạt động khả quan của các quỹ thì tôi tin rằng, ngành quản lý quỹ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng ít nhất cần từ 2-3 năm nữa.

Ngoại trừ quỹ đầu tư bất động sản và quỹ ETF, các quỹ mở còn lại hoạt động khá tương đồng nhau là một trong những nhân tố khiến quỹ mở vẫn chưa hấp dẫn.  Bà có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Mỗi loại hình quỹ đầu tư có đặc thù về chiến lược, các yêu cầu và mức độ rủi ro riêng. Các ETF bám theo chỉ số thị trường và các đơn vị quản lý quỹ không can thiệp được nhiều vào chiến lược, tính chủ động trong quản lý danh mục cũng không cao.

Nếu xem xét kỹ, mức sinh lời của ETF cũng không vượt trội so với quỹ mở. Các quỹ đầu tư bất động sản thì phải đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu về cơ cấu tài sản và bắt buộc phải có quy mô khá lớn (ví dụ phải có 1.000 tỷ đồng trở lên mới đủ tiền mua dự án), nên không thích hợp cho nhà đầu tư tham gia ở quy mô nhỏ.

Tựu trung, đối với đa số nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư không chuyên về thị trường chứng khoán thì tham gia các quỹ có chuyên môn và với chiến lược tập trung các tài sản chứng khoán cơ bản như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu niêm yết vẫn là sự lựa chọn hợp lý, đảm bảo thanh khoản và được hỗ trợ quản lý rủi ro tốt nhất.

Đầu tư vào trái phiếu vẫn chưa thu hút nhà đầu tư cá nhân, đây sẽ là thách thức lớn đối với các quỹ trong gọi vốn lập quỹ mới. Công ty có chiến lược gì để hóa giải thách thức này?

Các quỹ đầu tư trái phiếu chủ yếu nắm giữ trái phiếu chính phủ và một ít trái phiếu do các doanh nghiệp uy tín phát hành, số lượng giao dịch còn khá hạn chế, lợi nhuận ổn định, nhưng chưa hấp dẫn lắm. Hiện tại, khi thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 15 - 20% năm, việc nhiều nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng cổ phiếu hơn trái phiếu là điều bình thường. Tuy nhiên, thế mạnh của trái phiếu nằm ở tính an toàn, mức độ rủi ro thấp hơn cổ phiếu.

Trong tương lai, chúng tôi tin rằng, Chính phủ sẽ có những chính sách phát triển thị trường thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tốt phát hành trái phiếu, đem lại nhiều lựa chọn đa dạng và giúp các quỹ trái phiếu đem lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán có thêm các sản phẩm mới phức tạp như chứng khoán phái sinh, theo bà, đây có là yếu tố giúp các công ty quản lý quỹ sẽ có thêm dư địa phát triển mạnh mảng nhận ủy thác đầu tư và huy động quỹ?

Sản phẩm chứng khoán phái sinh chỉ vừa ở giai đoạn đầu áp dụng tại Việt Nam và sắp tới chỉ có một sản phẩm loại hình này trên thị trường là hợp đồng phái sinh. Trong ngắn hạn, tôi không kỳ vọng chứng khoán phát sinh sẽ phát triển mạnh và đa dạng.

Tất nhiên, chúng tôi cũng tham vấn các công ty chứng khoán, nhưng nhận định rằng sản phẩm này sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của quỹ mở. Vì đây là sản phẩm dành cho các nhà đầu tư có chuyên môn và kinh nghiệm, trong khi quỹ mở hướng đến nhà đầu tư không chuyên.

Quỹ nội đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút được dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào, vì sao, thưa bà?

Tôi cho rằng có một số lý do chính khiến quỹ nội địa chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế. Thứ nhất, nhà đầu tư quốc tế thường mong muốn đầu tư ít nhất từ 5 - 10 triệu USD, trong khi quy mô của các quỹ mở nội địa chỉ đang khoảng 100 - 200 tỷ đồng, chưa phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, ngành quản lý quỹ mở chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam và các công ty quản lý quỹ vẫn đang hoàn thiện cơ chế hoạt động, chứ chưa đẩy mạnh phần quảng bá ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, các quy trình để nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam chưa thuận tiện. Họ phải mở tài khoản đặc biệt trước khi mở tài khoản tham gia quỹ; thông thường toàn bộ thủ tục mất khoảng 1 tháng.

Trong tương lai, khi các quy trình được đơn giản hóa, các công ty quản lý quỹ đã ở mức độ phát triển cao hơn, chúng tôi tin rằng, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài cho quỹ mở tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục