Quỹ mở MBVF, mục tiêu sinh lời 15 - 20%/năm

(ĐTCK) Quỹ đầu tư giá trị MBCapital (MBVF), một quỹ mở của CTCP Quản lý quỹ Đầu tư MB (MB Capital) kỳ vọng sẽ đạt mức sinh lời 15 - 20%/năm. Mức sinh lời này hấp dẫn NĐT đến đâu?
Quỹ MBVF dự kiến kết thúc chào bán chứng chỉ quỹ vào đầu tháng 4 tới Quỹ MBVF dự kiến kết thúc chào bán chứng chỉ quỹ vào đầu tháng 4 tới

Mục tiêu sinh lời trên của MBVF cao gấp 2 - 3 lần lãi suất ngân hàng, nhưng là thận trọng nếu so với mức tăng lớn của thị trường cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Chỉ số VN-Index trên sàn HOSE tăng 21,9% trong năm 2013 và trong chưa đầy 3 tháng từ đầu năm 2014 đến ngày 20/3 tăng thêm 20%. Đã có nhiều kỳ vọng chỉ số này sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm, khi nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng hồi phục.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc điều hành MBVF cho biết, Quỹ chọn chiến lược đầu tư giá trị, nghĩa là tập trung đầu tư trung và dài hạn vào doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp niêm yết đang bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực.

“Với chiến lược đầu tư như vậy, chúng tôi kỳ vọng Quỹ sẽ đem lại tỷ suất sinh lời 15 - 20%/năm. Bản thân MBCapital, trong 3 năm trở lại đây đã thực hiện quản lý một số danh mục theo trường phái đầu tư giá trị và thu được những thành công nhất định. Do đó, chúng tôi tin tưởng chiến lược đầu tư này sẽ gặt hái được thành công”, ông Hải nói.

Các quỹ mở nội địa đến nay vẫn theo đuổi chiến lược đầu tư thận trọng với mục tiêu lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) của VinaWealth đang chào bán chứng chỉ quỹ cùng thời điểm với MBVF hiện chưa tuyên bố trước mục tiêu sinh lời kỳ vọng, nhưng bà Nguyễn Thuận Thái, Giám đốc điều hành VinaWealth cho hay, VEOF sẽ tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn có giá trị cơ bản tốt, chủ yếu bám theo rổ chỉ số VN30. “Mục tiêu của chiến lược này là để đạt được lợi nhuận ổn định”, bà Thái nói.

Hai quỹ mở mới nêu trên đều lần lượt là quỹ mở thứ hai của MBCapital và VinaWealth. Đầu năm 2013, cả hai công ty đều gần như khai trương đồng thời hai quỹ mở đầu tiên trên thị trường, nhưng đầu tư vào trái phiếu.

Hiện loại hình dịch vụ tài chính quỹ đại chúng cho đến nay vẫn còn mới tại thị trường Việt Nam. Những quỹ mở cổ phiếu hoặc quỹ mở cân bằng/năng động khai trương cách đây vài tháng cũng thường nhấn mạnh việc đem đến lợi nhuận ổn định. Mục tiêu của các quỹ thường được so sánh với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp để thuyết phục NĐT. Chủ trương thận trọng này được cho là để đảm bảo sự an tâm cho NĐT khi giao phó tiền cho các công ty quản lý quỹ, đặc biệt khi các NĐT đã phải trải qua giai đoạn lao dốc mạnh của thị trường 2008 - 2011.

Nhưng ở chiều ngược lại, sự thận trọng dường như chưa đủ để hấp dẫn các NĐT, khi một bộ phận rất lớn NĐT thích sự mạo hiểm để đạt lợi nhuận cao hơn. Sau hơn một năm hoạt động, quy mô của các quỹ mở nội địa vẫn ở quanh các mức khởi điểm, tất cả các quỹ mở (trừ các quỹ chuyển từ dạng đóng sang dạng mở) hiện nay đều có quy mô nhỏ, từ 50 - 80 tỷ đồng. Các quỹ mở mới thành lập chỉ thu hút được số vốn đủ để đạt mức tối thiểu là 50 tỷ đồng theo quỹ định pháp lý và hầu hết đều có đối tác cam kết góp vốn trước khi đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

MBCapital chia sẻ, đã có đối tác cam kết góp vốn vào MBVF, trong đó NĐT nước ngoài dự kiến góp tối thiểu 15%. MBVF dự kiến kết thúc chào bán lần đầu trong vòng 1 tháng, bằng 1/3 thời gian được phép là 90 ngày. Quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ vào ngày 5/3/2014.

Trong khi đó, năm 2013, có những cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ với mức tăng 50 - 100%, thậm chí cao hơn và trong thời gian từ đầu năm tới nay cũng đạt mức tăng như vậy. Điều này càng khiến cho nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân “ngó lơ” các quỹ đại chúng, để tự mình tìm kiếm lợi nhuận cao.

“Nhiều cá nhân và tổ chức tin rằng, họ có đủ các điều kiện kiện để có thể tự mình đầu tư, mà chưa cần sử dụng dịch vụ của công ty quản lý quỹ”, bà Thái nói.

Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là tất cả, mà còn là rủi ro mà NĐT có thể chấp nhận để đạt được lợi nhuận đó. Rủi ro ở đây ngoài việc thua lỗ còn cả việc phải tiêu tốn thời gian, công sức cho việc đầu tư chứng khoán. Dựa trên thực tế đó, các quỹ đại chúng kiên trì theo đuổi chiến lược đầu tư thận trọng để chào bán sản phẩm của mình tới NĐT.

“Để có thể đầu tư thành công trên TTCK, về cơ bản, NĐT cần có đầy đủ thông tin, thời gian và kinh nghiệm. Vấn đề của quỹ mở, theo chúng tôi nghĩ, không phải hoàn toàn ở sản phẩm, ở thị trường, mà là ở phương thức tiếp cận NĐT”, VinaWealth nhận xét.

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục