Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quy mô kinh tế số của Việt Nam có xu hướng gia tăng và có cơ sở để đạt được mục tiêu này.
Thưa bà, khái niệm kinh tế số đã được đề cập khá nhiều trong những năm gần đây, nhưng vì sao đến hiện tại, đo lường kinh tế số trong GDP vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi?
Hiện nay, việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Đến nay, Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc (UNSC) vẫn chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, từng địa phương không thể thiếu kinh tế số, vì vậy nhiều định chế kinh tế - tài chính quốc tế đã đưa ra khái niệm và phạm vi của kinh tế số.
Gần đây nhất, năm 2020, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa mang tính toàn diện nhằm tạo sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Nhóm G20 cũng đã xác định thống nhất sử dụng khái niệm về kinh tế số và cách thức đo lường kinh tế số theo OECD. Theo đó, kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào, hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu.
Trình độ kinh tế của Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với OECD, G20 và có đặc thù là kinh tế phi chính thức chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, không phải khái niệm nào của thế giới cũng có thể áp dụng vào Việt Nam. Bà có thể chia sẻ thêm về điều này?
Từ khái niệm của OECD, khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế và nghiên cứu thông lệ quốc tế, Việt Nam đưa ra khái niệm: “Kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế”.
Khái niệm này được xây dựng dựa trên sự đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, thống kê của các định chế tài chính quốc tế...
Tôi nghĩ rằng, khái niệm về kinh tế số của Việt Nam khá rõ ràng, dễ hiểu, bám sát khái niệm của OECD cũng như của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Kinh tế số có thể hiểu theo góc độ sản phẩm gồm hàng hóa công nghệ - thông tin, như máy tính và thiết bị ngoại vi, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện tử tiêu dùng, các thành phần và hàng hóa công nghệ - thông tin khác; dịch vụ kỹ thuật số; dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ trung gian kỹ thuật số.
Còn theo góc độ ngành kinh tế, thì kinh tế số bao gồm 7 ngành: hỗ trợ kỹ thuật số; dịch vụ tài chính bảo hiểm hoạt động chủ yếu trên môi trường số; hoạt động nền tảng trung gian tính phí; các ngành phụ thuộc vào nền tảng trung gian; ngành nền tảng kỹ thuật số định hướng dữ liệu và quảng cáo; hoạt động bán lẻ trực tuyến; và sản xuất khác chỉ hoạt động trên môi trường số.
Với cách đo lường và tính toán như trên, kinh tế số đang chiếm tỷ trọng như thế nào trong GDP của nước ta, thưa bà?
Tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86% GDP, bình quân giai đoạn 2019-2022 chiếm khoảng 11,53% GDP. Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt 6,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,97%. Số hóa trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2019-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.
Giai đoạn 2019-2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng, giúp tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,49% năm 2019 lên 6,74% năm 2022.
Như vậy, kinh tế số mới chỉ chiếm 12,86% GDP vào năm 2022. Theo bà, khả năng đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra như thế nào?
Việt Nam cũng như nhiều nước hiện mới đo lường hoạt động kinh tế số đối với sản phẩm kinh tế số lõi và hoạt động thương mại điện tử, chưa có cách tiếp cận đầy đủ theo phạm vi của hoạt động sản xuất, nên tỷ trọng kinh tế số chiếm chưa cao trong GDP. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu vẫn sản xuất truyền thống “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, thì kinh tế số không đóng góp gì.
Nhưng trên thực tế, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất cánh đồng mẫu lớn đã tưới nước, bón phân cho cây trồng tự động dựa vào nền tảng công nghệ; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái; bán sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội và hình thức livestream; vận chuyển sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua “xe giao hàng công nghệ”...
Như vậy, sản phẩm nông nghiệp truyền thống, nhưng trong quá trình từ sản xuất, bảo quản, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng đã được số hóa, nên khi tính cả phần kinh tế số này vào, thì tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam cao hơn. Mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW là khá cao, nhưng theo tôi, có cơ sở để đạt được.
Đơn cử, với Trung Quốc, khi tính đúng, tính đủ, kinh tế số chiếm tới gần 40% GDP; hoặc với Malaysia, kinh tế số chiếm trên 23% GDP vào năm 2021.