Hiệu suất biến động mạnh
Hiệu suất của nhóm quỹ đầu tư cổ phiếu biến động mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, nhóm quỹ cổ phiếu đạt mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2024 (tăng 20%), nhưng hiệu suất trung bình ở mức thấp hơn (đạt 10,3%) trong khung thời gian 5 năm và đạt âm 0,8% trong giai đoạn 3 năm, chủ yếu do khoản lỗ lớn vào năm 2022.
Điều này cho thấy sự thiếu ổn định của nhóm quỹ này trong dài hạn, nhưng mức hiệu suất trung bình 10,3% trong 5 năm là tương đối ổn, theo số liệu FiinTrade (Dữ liệu được tính dựa trên 26 quỹ mở cổ phiếu có tổng NAV là 26,8 nghìn tỷ đồng).
|
Hiệu suất theo loại hình quỹ (chỉ tính quỹ mở) |
Có 41/66 quỹ đầu tư cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index trong năm 2024 nhờ hiệu suất tích cực trong giai đoạn nửa đầu năm. Tuy nhiên, hiệu suất của đa số các quỹ kém đi rõ rệt trong nửa cuối năm 2024, khi thị trường ở trạng thái đi ngang với thanh khoản giảm sút và chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoài.
Trong năm qua, Quỹ Cổ phiếu Kinh tế Hiện đại VinaCapital (VMEEF) – quỹ mới được thành lập từ năm 2023 dẫn đầu với mức tăng trưởng 34% nhờ phân bổ tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu Ngân hàng và Công nghệ (FPT, FOX). Tiếp đến là quỹ Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (VFMVSF) với mức tăng 29,7% - mức hiệu suất cao nhất của quỹ kể từ khi thành lập (năm 2021) và xét cho khung thời gian 5 năm, quỹ này đạt hiệu suất khá cao với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 15,3%.
Quỹ Cổ phiếu Tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF) và quỹ Đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA) duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm ổn định ở cả khung thời gian ngắn và dài.
|
Top 20 quỹ đầu tư cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trong năm 2024 (chỉ tính quỹ có NAV lớn hơn 100 tỷ đồng) |
Diễn biến dòng tiền
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu ở trạng thái âm năm thứ 2 liên tiếp. Giá trị rút ròng năm 2024 là khoảng 13,8 nghìn tỷ đồng (chủ yếu ở nhóm quỹ thụ động), tăng so với mức rút ròng 10,5 nghìn tỷ đồng của năm 2023 (chủ yếu ở nhóm quỹ chủ động ). Xét theo loại tài sản, dòng tiền vào ròng tích cực ở nhóm quỹ trái phiếu trong khi rút mạnh ở nhóm quỹ cổ phiếu.
|
Các quỹ đầu tư chịu áp lực rút ròng năm thứ 2 liên tiếp |
Cụ thể, nhóm quỹ cổ phiếu ghi nhận rút ròng kỷ lục (27,5 nghìn tỷ đồng), nhưng chủ yếu rút ròng ở nhóm quỹ thụ động (ETF DCVFMVN DIAMOND và Fubon FTSE Vietnam ETF).
Trong khi đó, dòng tiền đổ vào các quỹ mở với hiệu suất vượt trội trong năm 2024 (nhờ danh mục nắm giữ có nhiều cổ phiếu Ngân hàng). Chẳng hạn, hai quỹ mở là VFMVSF và VMEEF có dòng tiền vào tích cực. Cụ thể, quỹ VMEEF của VinaCapital ghi nhận dòng tiền vào ròng liên tục kể từ tháng 11/2023 (lũy kế đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng), dòng tiền cũng vào ròng đột biến ở quỹ VFMVSF trong các tháng mà quỹ này có hiệu suất âm.