Quỹ mở: Chờ hàng tốt bật tăng

(ĐTCK) Các quỹ đầu tư không nằm ngoài tâm bão của thị trường khi trong quý II/2018, chỉ số VN-Index giảm 18,2%, nhất là khi danh mục của các quỹ thường tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - nhân tố chính khiến chỉ số giảm điểm. Tuy nhiên, thị trường đi xuống cũng là cơ hội để các quỹ đầu tư cơ cấu lại danh mục, mua vào cổ phiếu cơ bản tốt.
Các quỹ chờ đợi cổ phiếu tốt sớm trở lại mặt bằng giá phù hợp Các quỹ chờ đợi cổ phiếu tốt sớm trở lại mặt bằng giá phù hợp

Kết thúc quý II/2018, NAV/chứng chỉ quỹ của Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) giảm 3,8% trong tháng 6 và 2,7% tính từ đầu năm, mức giảm của chỉ số tham chiếu cùng kỳ lần lượt là 1% và 1,2% (tăng trưởng của chỉ số tham chiếu VFMVF1 Benchmark = 80% tăng trưởng của chỉ số VN-Index + 20% tăng trưởng của chỉ số HNX Bond Index 2 năm).

Quỹ VF1 đã nâng tỷ trọng tiền và chứng khoán nợ lên 20,1% NAV vào cuối tháng 6 và cân nhắc thận trọng cho các cơ hội đầu tư có mức định giá hợp lý. Trong danh mục đầu tư của VF1, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (27,3%). Kế đến là nhóm cổ phiếu bất động sản (9,6%). Top 5 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong NAV là TCB, ACB, PNJ, VPB, VNM.

Theo đánh giá của VFM, ngành bất động sản đang trở thành điểm nhấn thu hút vốn đầu tư khi các yếu tố kinh tế vĩ mô được duy trì tích cực. Thị trường bất động sản diễn biến tốt với tỷ lệ tiêu thụ ở mức 54% tại TP.HCM và 23% tại Hà Nội.

Lãi suất thấp và lạm phát ổn định đã giúp việc chào bán căn hộ tại các dự án bất động sản mới dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bất động sản còn nhận được nguồn vốn FDI dồi dào, vượt qua ngành công nghiệp chế biến về vốn FDI đăng ký mới. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký cho lĩnh vực bất động sản đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký mới.

Trong danh mục của VF1, nhóm ngành bất động sản được dẫn dắt bởi cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC) với mức tăng trưởng 60,6% kể từ đầu năm đến nay (YTD), cao hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành. Đóng góp sau VIC là Công ty Khang Điền (KDH) với mức tăng trưởng 11,9%.

Cổ phiếu Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng có lợi suất tốt 4,2% YTD và chỉ số cơ bản hấp dẫn. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của DXG ở khoảng 50%, tỷ suất ROE hiện tại là 24,2%, nhưng mức P/E trượt chỉ là 8,7x so với trung bình ngành là 15x.

Tương tự, tại một quỹ khác do CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý là Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4), nhóm cổ phiếu bất động sản đã có những đóng góp tích cực, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 33,9% YTD, với đóng góp từ mức tăng 65,6% của cổ phiểu VIC và 11,9% của KDH.

Trong tháng 6, VF4 đã nâng tỷ trọng tiền từ 7,8% lên 12,2% để tìm kiếm các cơ hội đầu tư có tỷ suất sinh lời cao và ít biến động so với thị trường. Quỹ sẽ giải ngân thận trọng vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt tại mức giá hợp lý. Trong danh mục đầu tư của VF4 tại ngày 30/6, ngân hàng chiếm tỷ trọng 30,3% NAV; thực phẩm, nước giải khát và thuốc lá chiếm 9,9%; bất động sản 7,9%. Trong đó, Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất là TCB (7,8%), VNM (7,5%), PNJ (6,1%), ACB (5,4%), VPB (5%).

Tại thời điểm cuối tháng 6, NAV/chứng chỉ quỹ của VF4 giảm 4,6%, so với sự sụt giảm chung của toàn thị trường là 1,1%. Lũy kế từ đầu năm, VF4 đã giảm 4,1%, trong khi chỉ số VN-Index giảm 2,4%.

Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) hiện đang quản lý 2 quỹ mở là Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược (VCBF-TBF) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF-BCF). Ông Vũ Quang Đông, Giám đốc VCBF cho biết, quý I/2018, khi thị trường tăng trưởng mạnh, VCBF đã gặp khó khăn trong việc giải ngân và phải nắm giữ tỷ trọng tiền gửi cao.

Khi thị trường điều chỉnh trong 2 tháng vừa qua, VCBF đã có cơ hội mua một số cổ phiếu với định giá hấp dẫn, cổ phiếu của doanh nghiệp mà Quỹ tin tưởng được quản lý tốt và được hưởng lợi từ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Là một trong những quỹ mở cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất trong năm 2017 với mức tăng 47,5%, nhưng 6 tháng đầu năm nay, NAV/chứng chỉ quỹ của BVFED đã giảm 7% so với thời điểm cuối năm 2017. Danh mục đầu tư của Qũy bao gồm cổ phiếu chiếm tỷ trọng 94,6% NAV, trong đó lớn nhất là VIC 9,84%; HPG 8,47%; VNM 8,39%; VJC 6,64%; MSN 5,73%.

Tương tự, Quỹ Đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) đang có NAV 97,3 tỷ đồng, NAV/chứng chỉ quỹ đạt 10.875 đồng, giảm 6,4% so với thời điểm cuối năm 2017. Cổ phiếu niêm yết chiếm 85,72% NAV. Danh mục Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm HVN 10,46%; MBB 8,7%; PNJ 7,88%; IDC 5,55%; ACB 5,55%. Quỹ đang nắm giữ tiền mặt hơn 14%. Phần lớn danh mục đầu tư của quỹ mở là các cổ phiếu thuộc nhóm bluechips. Đây cũng là nhóm được kỳ vọng sẽ là tâm điểm hút dòng tiền và hồi phục, giúp các quỹ lấy lại những gì đã mất và trở lại phong độ tăng trưởng cao.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục