Quỹ lớn cơ cấu lại danh mục cổ phiếu ngân hàng

(ĐTCK) Các quỹ đầu tư lớn như VESAF và DCDS đã thực hiện những thay đổi chiến lược đáng chú ý trong cơ cấu danh mục cổ phiếu ngân hàng năm 2024. Xu hướng này phản ánh sự thay đổi dòng chảy tín dụng, từ doanh nghiệp lớn sang cá nhân và tiêu dùng.
Cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của nhiều quỹ đầu tư

Thị trường chứng khoán năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, sau khi đi ngang trong biên độ hẹp suốt 6 tháng đầu năm.

Các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam phải điều chỉnh cơ cấu danh mục để ứng phó với sự thay đổi trong xu hướng vĩ mô và các yếu tố tác động như dòng chảy tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng.

Điều này đặc biệt quan trọng với các cổ phiếu ngân hàng - nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của nhiều quỹ.

Mặc dù cổ phiếu ngân hàng luôn thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư, nhưng mức độ phân hóa của các nhóm cổ phiếu được nắm giữ rất lớn. Các quỹ thường tập trung vào các ngân hàng quy mô lớn, dẫn đầu mỗi phân khúc với chiến lược kinh doanh rõ ràng.

Những cổ phiếu ngân hàng đang được quỹ đầu tư nắm giữ nhiều có thể kể đến như CTG, VCB ở nhóm quốc doanh, ACB, STB, VIB, VPB ở nhóm chuyên cho vay cá nhân, MBB, TCB ở nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào đánh giá khác về triển vọng tăng trưởng của các nhóm ngân hàng khác nhau mà các quỹ đầu tư sẽ thực hiện cơ cấu danh mục qua từng giai đoạn để tối ưu mức sinh lời của danh mục.

Ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, Chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp


Các quỹ như VESAF, DCDS đã thực hiện điều chỉnh từ việc tập trung vào các ngân hàng cho vay doanh nghiệp sang các ngân hàng bán lẻ. Động thái này không chỉ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, mà còn phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế và tiêu dùng nội địa trong thời gian tới. Điều này cung cấp nhiều gợi ý cho nhà đầu tư về chiến lược đầu tư cho các cổ phiếu ngân hàng cho năm 2025.

Những xu hướng vĩ mô chính chi phối dòng chảy tín dụng

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, dòng chảy tín dụng tập trung vào phân khúc doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp.

Điều này giúp các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như TCB, MBB đạt được kết quả kinh doanh khả quan. TCB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao, chủ yếu đến từ tín dụng doanh nghiệp năm 2024; các ngân hàng khác trong nhóm như MBB, HDB cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Các chỉ số tài chính quan trọng như biên lãi ròng (NIM), tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng trong nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp cũng có sự cải thiện rõ rệt. Những con số này cho thấy sự chuyển dịch tín dụng không chỉ thúc đẩy lợi nhuận, mà còn cải thiện cấu trúc tài chính của các ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng bán lẻ đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét trong quý III/2024, sau một giai đoạn dài trầm lắng. Tăng trưởng tín dụng cá nhân trong quý III thể hiện sự cải thiện đáng kể khi nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay cá nhân bằng cả hai quý trước đó cộng lại.

Cổ phiếu ngân hàng được các quỹ đầu tư nắm giữ nhiều nhất (số lần xuất hiện).

Việc nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội được giải quyết vướng mắc pháp lý để đẩy nhanh việc mở bán cũng giúp cho nhu cầu vay mua nhà cải thiện đáng kể. Đây là tín hiệu cho thấy tiêu dùng cá nhân đang từng bước phục hồi, đóng vai trò là động lực quan trọng cho sự gia tăng tín dụng trong toàn hệ thống.

Các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như TCB và MBB, vốn tập trung chủ yếu vào phân khúc tín dụng doanh nghiệp, cũng ghi nhận sự cải thiện trong tín dụng bán lẻ.

Theo báo cáo tài chính, tín dụng bán lẻ của TCB trong quý III/2024 tăng 6,6% so với quý II, chủ yếu nhờ vào các khoản vay tiêu dùng và vay mua nhà. Tương tự, MBB chứng kiến tăng trưởng tín dụng bán lẻ cải thiện đáng kể so với giai đoạn đầu năm.

Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi các chính sách khuyến khích tiêu dùng từ các ngân hàng, bao gồm việc giảm lãi suất cho vay mua nhà và các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân.

Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay ưu đãi, kèm theo đó là các điều kiện thanh toán linh hoạt, phù hợp với nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng, góp phần cải thiện sức cầu tín dụng của khu vực tiêu dùng.

Sự cải thiện trong tín dụng bán lẻ cũng phản ánh xu hướng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa, một yếu tố quan trọng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng bán lẻ dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2024 và năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi dài hạn của ngành ngân hàng.

Sự dịch chuyển danh mục đầu tư của các quỹ

Cổ phiếu ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng này thường được điều chỉnh để phản ánh các xu hướng vĩ mô.

Trong nửa đầu năm 2024, các quỹ đầu tư tập trung vào các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như TCB, MBB, nhờ hiệu quả kinh doanh vượt trội và chỉ số sinh lời cao.

Trong giai đoạn cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, dòng chảy tín dụng tập trung vào phân khúc doanh nghiệp đã giúp các cổ phiếu ngân hàng như ACB, VIB, STB, VPB trở thành tâm điểm thêm vào hoặc gia tăng tỷ trọng trong danh mục đầu tư của các quỹ lớn.

Số liệu theo dõi từ Quỹ DCDS của Dragon Capital cho thấy, quỹ này đã tăng tỷ trọng cổ phiếu STB và VPB trong tháng 10/2024.

VPB có kết quả tăng trưởng kém hơn hẳn so với mức trung bình của thị trường trong năm 2023 và 2024, nhưng với kết quả kinh doanh của FE Credit bắt đầu cải thiện, VPB có khả năng phục hồi quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới. Trong khi đó, STB cho thấy nhiều kết quả cải thiện tích cực sau quá trình tái cơ cấu.

Top 5 cổ phiếu trong danh mục theo tháng của DCDS và VESAF.

Theo báo cáo cập nhật, tỷ trọng cổ phiếu VIB trong danh mục của VESAF tăng lên gần 5%, trong khi tỷ trọng cổ phiếu ACB được duy trì ở mức cao.

Cổ phiếu VIB dù có kết quả kinh doanh không tích cực trong những quý gần đây, nhưng Ngân hàng đã giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng trong quý III/2024, trong khi tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ phục hồi, đặc biệt sau khi các gói vay ưu đãi hấp dẫn trong cho vay mua nhà được triển khai.

Trong khi đó, ACB duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cho cả mảng cá nhân và doanh nghiệp, với cơ cấu tín dụng ngày càng đa dạng.

Những động thái thay đổi của hai quỹ lớn trên phản ánh sự kỳ vọng vào sự phục hồi tín dụng bán lẻ và tiêu dùng cá nhân - yếu tố quan trọng để duy trì tín dụng lành mạnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Cả VESAF và DCDS đều nhận định, các ngân hàng bán lẻ đang trong giai đoạn phục hồi, với khả năng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng sẽ phục hồi trong năm 2025.

Xu hướng tăng trưởng bán lẻ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong dài hạn của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, do đó, việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng có thể được xem như tín hiệu chỉ báo đối với các cổ phiếu ngân hàng.

Việc điều chỉnh từ ngân hàng doanh nghiệp sang ngân hàng bán lẻ cho thấy, các quỹ đang hướng tới một bức tranh kinh tế cân bằng hơn, nơi tiêu dùng cá nhân sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính.

Các nhà đầu tư nên chú ý tới những dấu hiệu này để điều chỉnh chiến lược phù hợp, đặc biệt khi thị trường dự kiến vẫn còn nhiều diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Lê Hoài Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục