Quỹ lớn chấp nhận trả giá cao cho chứng khoán Việt

(ĐTCK) Theo đánh giá của giới tài chính, sự kiện niêm yết VRE được coi là thành công của cả Vingroup và thị trường nói chung. Thương vụ này cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đối với những doanh nghiệp dẫn đầu ngành của Việt Nam vẫn lớn, dù định giá cổ phiếu đã ở mức cao.
Các quỹ đầu tư nước ngoài không giảm mà còn tăng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành Các quỹ đầu tư nước ngoài không giảm mà còn tăng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành

Theo đúng kịch bản, ngày 7/11, các giao dịch thỏa thuận hơn 415 triệu cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail đã diễn ra. Theo thông tin của Đầu tư Chứng khoán, khoảng 1% cổ phần được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân trong nước thông qua 2 công ty chứng khoán là VND và SSI; trong khi khoảng hơn 20% cổ phần được phân phối cho nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài.

Trên thực tế, các giao dịch phân phối cổ phiếu cho nhà đầu tư cá nhân đã được thanh toán xong vào ngày 3/11. Giao dịch thỏa thuận ngày 7/11 chỉ là thủ tục để đưa cổ phiếu về tài khoản của nhà đầu tư.

Đến cuối tuần qua, khối lượng lớn cổ phiếu VRE giao dịch thỏa thuận đã về đến tài khoản của người mua. Tuy nhiên, thanh khoản VRE vẫn rất thấp do chênh lệch giá mua và thị giá hiện tại ở mức 43.350 đồng/cổ phiếu không đáng kể để bên mua chốt lời. Với mức giá này, toàn bộ khối lượng 1% cổ phần phân phối cho nhà đầu tư cá nhân có thể được gom hết trong một phiên.

Theo tính toán, VRE lên sàn đã thu hút được một lượng vốn rất lớn từ bên ngoài vào thị trường chứng khoán khi giá trị giao dịch VRE trong phiên 7/11 giá trị hơn 743 triệu USD, tương đương hơn 17.000 tỷ đồng.

Các giao dịch này đã được thanh toán xong từ ngày 3/11 và đây chính là lý do thị trường đi xuống trước thời điểm VRE chào sàn, khi một phần tiền trên thị trường được rút ra để thanh toán mua cổ phiếu Vincom Retail. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư ngoại bán ròng bất thường một số cổ phiếu tốt như HPG, MWG, HSG… dường như để ưu tiên thu xếp vốn cho thương vụ này.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, một trong 4 đơn vị tư vấn cho thương vụ chào bán cổ phần thứ cấp VRE, 21,8% cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Công ty được chào bán dưới hình thức dựng sổ. Đây cũng là lần đầu tiên cổ phiếu thứ cấp của một doanh nghiệp Việt Nam được chào bán theo tiêu chuẩn 144A, chuẩn mực chào bán khắt khe cho các nhà đâu tư QIBs (Qualified Institutional Buyers) ở Mỹ.

Có 9 nhà đầu tư chủ chốt (cornerstone investor) tham gia mua cổ phần, bao gồm: Avanda Investment Management Pte, Dragon Capital, Genesis Investment Management LLP, GIC Pte, HSBC Asset Management (Anh), Karst Peak, RWC Asset Advisors (Mỹ), Templeton Investments và TT International. Phần cổ phiếu còn lại được phân phối cho các nhà đầu tư quan tâm khác dưới hình thức dựng sổ và đã nhận được nhu cầu đặt mua cao gấp hơn 5 lần so với số lượng cổ phần thứ cấp bán ra tại mức giá chào bán tối đa là 40.600 đồng/cổ phần. Khối lượng đặt mua VRE của nhà đầu tư ngoại đạt mức kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam, SSI nhận định.

Diễn biến trên đã cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đặt các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu ngành của Việt Nam trong tầm ngắm và sẵn sàng hành động. Hiện tại, nhiều quỹ lớn đầu tư vào thị trường mới nổi và thị trường khu vực đang muốn nâng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam bằng cách tham gia vào các thương vụ lớn. Mức định giá cao cũng là hợp lý đối với các doanh nghiệp tốt nhất ở những ngành có tiềm năng tăng trưởng vượt trội so với khu vực.

Không riêng VRE, việc giá cổ phiếu VNM tăng trong mấy phiên gần đây sau khi công bố giá khởi điểm cho đợt đấu giá lần 2 là 150.000 đồng/cổ phần cho thấy, nhà đầu tư đã sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu này thông qua sàn niêm yết, thay vì phải cạnh tranh mua qua đấu giá. 

Với giá khởi điểm là 151.200 đồng/cổ phần, khối lượng đăng ký mua nhiều hơn bán và có tới 6 tổ chức đầu tư nước ngoài, 5 tổ chức đầu tư trong nước tham gia đấu giá, dễ hiểu vì sao giá cổ phiếu VNM trên sàn tăng tới gần 170.000 đồng/cổ phiếu trong sáng ngày thứ 6, ngay trước phiên đấu giá. Nhiều khả năng, lần đấu giá này sẽ có kết quả hoàn toàn khác so với việc “bị ế” trong lần thứ nhất.

Một diễn biến khác cũng liên quan đến doanh nghiệp đầu ngành xây dựng là cổ phiếu CTD của Coteccons. Trong đợt điều chỉnh của thị trường vừa qua, cổ phiếu CTD chỉ giảm nhẹ, sau đó tăng điểm tốt và hiện ở mức 236.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 10% - 15% so với mức giá cách đây 1 tháng. Các tổ chức đầu tư tiếp tục nắm giữ chặt cổ phiếu CTD vì công ty hàng đầu ngành xây dựng này có số lượng cổ phiếu không nhiều.

Chưa kể, sau đợt điều chỉnh do áp lực giải chấp vừa qua, các cổ phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh như HPG, MWG đều đã nhanh chóng được nhà đầu tư ngoại gom mua trở lại.

Diễn biến thị trường cho thấy, về cơ bản, các quỹ đầu tư nước ngoài không giảm mà còn tăng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, sẵn sàng trả giá cao hơn để gia tăng hàng hóa. Dòng tiền vẫn săn tìm cơ hội và chờ đón kết quả kinh doanh quý IV khả quan.       

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục