Bên cạnh việc đánh giá, tái cơ cấu danh mục, thì trấn an nhà đầu tư trước hiệu suất đầu tư kém khả quan và nỗ lực xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến yêu cầu rút chứng chỉ quỹ mở, rút trái phiếu trước hạn là giải pháp được các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp tập trung cao độ lúc này.
“Là những người điều hành quỹ, chúng tôi đang tập trung cải thiện hiệu quả đầu tư, linh hoạt hơn trong trong chiến lược tái cấu trúc danh mục cho phù hợp với tình hình thị trường và tìm ra những cơ hội sinh lời tốt nhất”, Dragon Capital chia sẻ với nhà đầu tư vào cuối tuần trước.
Nhiều năm đồng hành cùng thị trường Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên Dragon Capital trải qua biến động. Xét hiệu quả đầu tư 10 năm trở lại đây thì các quỹ đầu tư chứng khoán như DCDS, DCBC đều có hiệu quả vượt VN-Index và nằm trong nhóm dẫn đầu, do đó, dù thị trường trong thời gian tới có thể tiếp tục biến động, Dragon Capital Việt Nam kỳ vọng rằng, nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn với khoản đầu tư của mình vì có thể việc thoái vốn giai đoạn này sẽ khiến cho việc tái đầu tư trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai.
Kể từ đầu quý II/2022, Dragon Capital đã tích cực thực hiện các điều chỉnh và tối ưu danh mục để hy vọng thu hẹp khoảng cách với chỉ số tham chiếu VN-Index. Trong tháng 10 vừa qua, NAV của quỹ DCDS và DCBC giảm lần lượt 6,4% và 6,9% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 9,2% của chỉ số VN-Index và là con số đỡ tệ nhất trong số những quỹ lớn đang hoạt động trên thị trường.
Một quỹ ngoại khác là Pyn Elite Fund cũng đang có hiệu suất đầu tư trong tháng 10 kém khả quan khi giảm đến 60% so với đầu năm, riêng tháng 10 lỗ 10,46% - ghi dấu tháng thứ 3 trong năm âm trên 10%.
Trong góc nhìn của Pyn Elite, các thông tin tiêu cực liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã tác động nặng nề lên tâm lý nhà đầu tư. Dẫu vậy, quỹ này vẫn đánh giá cao tình hình vĩ mô của Việt Nam, cho rằng nền kinh tế đang tăng trưởng tốt khi thương mại bán lẻ tăng 17,1%, sản xuất công nghiệp tăng 6,3% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 8,1%...
Dù hầu hết các quỹ đang hoạt động trên thị trường đều không tránh khỏi thua lỗ nặng nề, nhưng với quan điểm đầu tư dài hạn vào thị trường, đa số vẫn cho rằng hiện là thời điểm có thể tích lũy dần các cổ phiếu có nền tảng tốt.
Trong chương trình talkshow “Chọn danh mục” kỳ 3 với chủ đề “Thanh khoản thị trường qua lăng kính quỹ đầu tư” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối Phát triển kinh doanh PVI AM chia sẻ, mỗi một quỹ sẽ có những cách ứng xử khác nhau, tuỳ vào khẩu vị rủi ro, chỉ tiêu tài chính, đầu tư của các trái phiếu doanh nghiệp. Với tư cách là nhà đầu tư chuyên nghiệp, trước khi đầu tư, PVI AM đã thẩm định khá kỹ các doanh nghiệp đang dự định đầu tư và sẽ đầu tư.
Do đó, PVI AM tự tin danh mục của mình hoàn toàn có thể đáp ứng được với yêu cầu đầu tư hiện tại. PVI AM cũng tin tưởng rằng trong thời gian tới, thị trường sẽ quay trở quỹ đạo phát triển.
Sẵn quỹ tiền mặt lớn, PVI AM thời gian qua nhận được nhiều lời mời hợp tác từ việc đầu tư trái phiếu, cổ phiếu từ các doanh nghiệp.
Với khẩu vị rủi ro của PVI AM tương đối chặt chẽ, ông Cường cho biết, sẽ chọn những doanh nghiệp đầu ngành, hướng tới các doanh nghiệp có dòng tiền, hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Yếu tố lãi suất không phải yếu tố quan trọng nhất khi PVI AM đầu tư, mà chính là các chủ thể phát hành, chính là các doanh nghiệp Quỹ sẽ đầu tư. Tầm nhìn của PVI AM là cho trung và dài hạn, đảm bảo các khoản đầu tư có thể thu hồi được vốn và song hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Ông Cường chia sẻ thêm góc nhìn về thị trường, rằng đâu đó đã nhìn thấy đỉnh lãi suất, đỉnh lạm phát ở thị trường thế giới và Việt Nam. Thấy đỉnh rồi nên PVI AM đang chuẩn bị một lượng tiền để có thể đầu tư, chớp những cơ hội tốt trên thị trường với các tài sản tốt, định giá tốt cho các danh mục đầu tư trong tương lai.
“Chúng tôi hướng đến các doanh nghiệp có sản xuất bền vững, ổn định, có thể là doanh nghiệp sản xuất đầu ngành, các lĩnh vực về năng lượng, chế tạo”, ông Cường nói.