Quý IV/2022, Tập đoàn Sao Mai (ASM) ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm về 65,69 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã chứng khoán ASM - sàn HOSE) ghi nhận doanh thu tăng 16,8% nhưng lợi nhuận giảm 63,5% trong quý cuối của năm 2022.
Quý IV/2022, Tập đoàn Sao Mai (ASM) ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm về 65,69 tỷ đồng

Trong quý IV/2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 3.184,2 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 65,69 tỷ đồng, giảm 63,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,5% về còn 10,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 1,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 6,6 tỷ đồng về 333 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 12,4%, tương ứng giảm 7,91 tỷ đồng về 55,91 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 87,5%, tương ứng tăng thêm 84,6 tỷ đồng lên 181,32 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 38%, tương ứng tăng thêm 39,19 tỷ đồng lên 142,31 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh trong quý IV, nguyên nhân chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.

Luỹ kế trong năm 2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 13.749,2 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 963,3 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận ghi nhận 963,3 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt 59,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Tập đoàn Sao Mai ghi nhận âm 263,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.087,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 558,99 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.052,99 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Sao Mai tăng 5,2% so với đầu năm lên 19.110,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 6.847,2 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.165,3 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 3.189,9 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.798,7 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, biến động lớn chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 17,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 391,8 tỷ đồng về 1.798,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 11,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 333,6 tỷ đồng lên 3.189,9 tỷ đồng; tài sản dài hạn khác tăng 44,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 349,9 tỷ đồng lên 1.137,2 tỷ đồng ..

Trong tài sản dài hạn khác, đáng chú ý lợi thế thương mại bất ngờ tăng 146,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 282,4 tỷ đồng lên 475,2 tỷ đồng.

Tập đoàn Sao Mai ghi nhận lợi thế thương mại tăng mạnh trong năm 2022.

Tập đoàn Sao Mai ghi nhận lợi thế thương mại tăng mạnh trong năm 2022.

Công ty thuyết minh 475,2 tỷ đồng là giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua Công ty con.

Cơ cấu nợ vay của ASM tới 31/12/2022.

Cơ cấu nợ vay của ASM tới 31/12/2022.

Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 24,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.911,5 tỷ đồng lên 9.816,1 tỷ đồng và chiếm 51,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 43,5% tổng nguồn vốn).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1, cổ phiếu ASM tăng 330 đồng lên 9.880 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục