Quý IV/2022, lợi nhuận Đầu tư Thăng Long (TIG) giảm 74,4% về còn 31,15 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG - sàn HNX) ghi nhận doanh thu giảm 5,3% và lợi nhuận giảm 74,4% trong quý cuối năm 2022.
Quý IV/2022, lợi nhuận Đầu tư Thăng Long (TIG) giảm 74,4% về còn 31,15 tỷ đồng

Lợi nhuận giảm mạnh trong quý IV/2022

Trong quý IV/2022, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 304,95 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 31,15 tỷ đồng, giảm 74,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 15,8% về còn 6,2%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 62,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 31,74 tỷ đồng về 19,02 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 52%, tương ứng giảm 67,87 tỷ đồng về 62,69 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 14,2 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 29,59 tỷ đồng lên 31,67 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 52,3%, tương ứng giảm 5,2 tỷ đồng về 4,75 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế trong năm 2022, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 914,24 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 210,56 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Đầu tư Thăng Long đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 272,4 tỷ đồng, Công ty chỉ đạt 77,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dòng tiền âm kỷ lục từ năm 2010 với giá trị âm 322,4 tỷ đồng

Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 322,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 753,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 86,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 339,9 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Theo tìm hiểu, cổ phiếu TIG được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2010. Xem dữ liệu lịch sử từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như năm 2022, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2016 với giá trị âm 154,31 tỷ đồng, thấp hơn nhiều giá trị âm 322,4 tỷ đồng trong năm 2022.

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long tăng 23,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 842,7 tỷ đồng, lên 4.361,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.725,3 tỷ đồng, chiếm 39,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 937,9 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 528,2 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 479,6 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong năm, biến động mạnh chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn tăng 131,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 532,5 tỷ đồng lên 937,9 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn tăng 36,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 460,4 tỷ đồng lên 1.725,3 tỷ đồng; tồn kho tăng 65,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 190,1 tỷ đồng lên 479,6 tỷ đồng.

TIG tăng trả trước trong năm 2022.

TIG tăng trả trước trong năm 2022.

Công ty có thuyết minh, phải thu dài hạn tăng mạnh chủ yếu do ghi nhận 681,7 tỷ đồng trả trước dài hạn cho CTCP Đầu tư HDE Holdings; 284 tỷ đồng CTCP TIG Holdings; 73,1 tỷ đồng CTCP Đầu tư Phát triển BĐS và Năng lượng tái tạo VN. Ngoài ra, Công ty cũng ủy thác dài hạn cho CTCP Sân Golf và nhà ở sinh thái Sơn Thủy Vườn Vua thu mua đất để phát triển dự án 652,34 tỷ đồng…

TIG tăng đầu tư vào công ty liên kết trong năm 2022.

TIG tăng đầu tư vào công ty liên kết trong năm 2022.

Về phần đầu tư tài chính dài hạn tăng, chủ yếu trong năm Công ty ghi nhận đầu tư mới 231,6 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư Phát triển Bất động sản và Năng lượng tái tạo Việt Nam; 152,8 tỷ đồng CTCP Đầu tư Tòa nhà Công nghệ Xanh TIG-HDE; 98 tỷ đồng CTCP TIG Holdings; 49 tỷ đồng CTCP Sân Golf và nhà ở sinh thái sơn Thủy Vườn Vua…

Về phần nguồn vốn, cuối năm 2022, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 87,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 147,7 tỷ đồng về 21 tỷ đồng và chiếm 0,5% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 4,8% tổng nguồn vốn).

Thêm nữa, cuối năm 2022, tổng nợ vay dài hạn ghi nhận 200 tỷ đồng so với đầu năm chỉ là 60 triệu đồng và chiếm 4,6% tổng nguồn vốn.

Chào bán 24 triệu cổ phiếu để huy động 240 tỷ đồng từ 4 nhà đầu tư cá nhân

Tập đoàn Đầu tư Thăng Long thông qua kế hoạch chào bán 24 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 240 tỷ đồng từ 4 nhà đầu tư.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương dự kiến mua thêm 7 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 323.935 cổ phiếu lên 7.323.935 cổ phiếu, tương ứng 3,66% vốn điều lệ; bà Phạm Thị Hồng Nhung dự kiến mua thêm 6 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1.083.060 cổ phiếu lên 7.083.060 cổ phiếu, tương ứng 3,54% vốn điều lệ; ông Nguyễn Đức Duy dự kiến mua 6 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3% vốn điều lệ; và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh dự kiến mua 5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 5 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,5% vốn điều lệ.

Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ khi hoàn thành đợt chào bán và dự kiến triển khai sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Tổng số tiền huy động 240 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng 192 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ; 30 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp là CTCP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Hà Nội; còn lại 18 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ được thành lập năm 2011, địa chỉ tại vườn vua, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và người đại diện pháp luật là ông Dương Mạnh Tuấn.

CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ cùng với Tập đoàn Đầu tư Thăng Long là chủ đầu tư Vườn Vua Resort & Villas tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Dự án có quy mô 828.976 m2, tổng vốn đầu tư 4.247,8 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, cổ phiếu TIG tăng 700 đồng lên 9.400 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục