Quý III, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại

Bộ phận Tư vấn Đầu tư SSI vừa có một thống kê cho biết, không riêng chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Việt Nam suy giảm, mà trên toàn cầu, chỉ số này cũng có xu hướng giảm, trong đó đặc biệt là PMI của Mỹ và châu Âu.
Quý III, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại

Cụ thể, PMI của Mỹ đã đi ngang ở dưới mức 50 trong 2 tháng liên tiếp. PMI tháng 7 đã làm thất vọng giới đầu tư bởi trước đó, các dự báo đều cho rằng, PMI của Mỹ trong tháng 7 sẽ tăng lên trên 50 sau khi giảm mạnh trong tháng 6. Giới đầu tư càng thất vọng hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã không đưa ra gói kích thích thứ 3 (QE3) trước tình cảnh tăng trưởng đang chậm lại.

Tại châu Âu, tình hình còn tệ hơn khi PMI tiếp tục xu hướng giảm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, ở 44 điểm. Mức này chỉ chút ít cao hơn mức 43.6 của Việt Nam (tháng 7, theo khảo sát của HSBC và Markit Economics). Tại Nhật Bản, PMI cũng có xu hướng giảm, tháng 7 là 47,9 (tháng 6 là 49,9). Chỉ số PMI toàn cầu tháng 7 giảm xuống mức 48,4, từ mức 49,1 của tháng 6. Như vậy PMI toàn cầu đã có 2 tháng liên tiếp ở dưới mức 50.

Theo SSI, những chỉ số này cho thấy kinh tế toàn cầu trong quý III sẽ còn khó khăn hơn nữa. Ngân hàng trung ương các nước sẽ phải tính đến các phương án kích thích kinh tế, nhưng dường như họ chưa tập hợp được đủ nguồn lực để làm điều này. Diễn biến kinh tế tại Việt Nam cũng có sự tương đồng. Các biện pháp nới lỏng đã có chủ trương từ lâu, nhưng tín dụng tăng chậm do nợ xấu và giải ngân vốn ngân sách gặp khó, do thâm hụt ngân sách đang là rào cản cho các nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ.

CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBS) cũng chia sẻ mối lo ngại về sự suy giảm của chỉ số PMI, đang là chỉ báo cho sự suy giảm tiếp theo của kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo công bố cuối tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, khủng hoảng nợ khu vực đồng euro sẽ gây thiệt hại lớn đến tăng trưởng GDP của các nước trên thế giới. Trong khi đó, Quỹ đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới, vừa đưa ra nhận định sự sụt giảm gần đây của chỉ số PMI ở các nước châu Âu và châu Á là thực sự “đáng sợ.” Theo nhận định này, kinh tế thế giới đang suy giảm ở mức nặng nề nhất kể từ khi khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu kết thúc vào năm 2009.

Tại Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa đưa ra dự báo, nếu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt trên 6% thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt trên 5,3%. Thực tế, tính đến 25/7 tăng trưởng tín dụng vẫn giảm 0,1% so với cuối năm 2011. Trước thực trạng này, nhiều CTCK có chung nhận định rằng, TTCK vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm.

T.Vi
T.Vi

Tin cùng chuyên mục