Quý II/2022, lợi nhuận cốt lõi của Đầu tư Thăng Long (TIG) ghi nhận lỗ 24,22 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG - sàn HNX) thoát lỗ quý II/2022 bằng việc ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến và dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.
Quý II/2022, lợi nhuận cốt lõi của Đầu tư Thăng Long (TIG) ghi nhận lỗ 24,22 tỷ đồng

Trong quý II/2022, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 195,85 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 88,34 tỷ đồng, tăng 184,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 22,7% về chỉ còn 8,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 69,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 37,12 tỷ đồng về 16,16 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 115,8 tỷ đồng lên 120,61 tỷ đồng (cùng kỳ 4,81 tỷ đồng); chi phí tài chính tăng 33,11 tỷ đồng lên 35,13 tỷ đồng (cùng kỳ 2,02 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 66%, tương ứng giảm 10,17 tỷ đồng về 5,25 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), quý II, Công ty ghi nhận lỗ 24,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 35,84 tỷ đồng. Như vậy, trong kỳ, lợi nhuận gộp không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ bằng cách ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.

Cơ cấu doanh thu và chi phí tài chính của TIG trong quý II/2022.

Cơ cấu doanh thu và chi phí tài chính của TIG trong quý II/2022.

Công ty có thuyết minh doanh thu tài chính tăng chủ yếu do cổ tức nhận được, lãi tiền gửi, tiền cho vay, phí UTĐT. Ngược lại, chi phí tài chính tăng do tăng chi phí lãi vay.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 420,52 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 152,88 tỷ đồng, tăng 137,8% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Đầu tư Thăng Long đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 198,8 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 56,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 909,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 47,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 698,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 186,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Theo tìm hiểu, cổ phiếu TIG được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2010 tới nay. Xem dữ liệu lịch sử từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như 6 tháng đầu năm, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2016 với giá trị âm 154,31 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty vừa trải qua 2 năm dòng tiền dương liên tục.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Đầu tư Thăng Long tăng 24,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 865,9 tỷ đồng lên 4.384,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu dài hạn đạt 1.493,9 tỷ đồng, chiếm 34,1% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 854,1 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 732,5 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 532,7 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, tồn kho tăng 84% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 243,2 tỷ đồng lên 532,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 14,4%, tương ứng tăng thêm 92,1 tỷ đồng lên 732,5 tỷ đồng.

Cơ cấu trả trước cho người bán tới 30/6/2022.

Cơ cấu trả trước cho người bán tới 30/6/2022.

Trong kỳ, Công ty có thuyết minh trả trước cho người bán tăng mạnh nhất. Trong đó, chủ yếu là trả trước cho CTCP Đầu tư HDE Holdings từ 333,3 tỷ đồng lên 783,3 tỷ đồng, tức tăng thêm 450 tỷ đồng.

Ngoài ra, xét về nợ vay, Công ty bất ngờ tăng sử dụng nợ vay từ 60 triệu đồng đầu năm lên 200 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/8, cổ phiếu TIG tăng 200 đồng lên 13.000 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục