Quý II/2022, Gỗ Trường Thành (TTF) ghi nhận lỗ hoạt động kinh doanh cốt lõi 42,79 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 4 quý có lãi liên tiếp, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF - sàn HoSE) đã quay trở lại lỗ trong quý II, nâng lỗ lũy kế lên tới 3.044 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ.
Quý II/2022, Gỗ Trường Thành (TTF) ghi nhận lỗ hoạt động kinh doanh cốt lõi 42,79 tỷ đồng

Trong quý II/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 622,89 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 10,78 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,4% về chỉ còn 12%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 2,9 tỷ đồng lên 74,72 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 991,2%, tương ứng tăng thêm 19,13 tỷ đồng lên 21,06 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 133,7%, tương ứng tăng thêm 19,04 tỷ đồng lên 33,28 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm tăng 91,3%, tương ứng tăng thêm 40,2 tỷ đồng lên 84,23 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 14,84 tỷ đồng lên 12,12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2,72 tỷ đồng) và các các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 42,79 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 13,55 tỷ đồng, tức giảm thêm 56,34 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của TTF trong quý II/2022 và 6 tháng đầu năm.

Cơ cấu doanh thu, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của TTF trong quý II/2022 và 6 tháng đầu năm.

Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi âm, Công ty chỉ giảm lỗ bằng việc ghi nhận doanh thu tài chính và lợi nhuận khác tăng đột biến.

Công ty thuyết minh doanh thu tài chính tăng đột biến chủ yếu do lãi tiền gửi cho cho vay ghi nhận 26,8 tỷ đồng so với cùng kỳ 0,56 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng chủ yếu do lãi tiền vay ghi nhận 30,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 15,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu ghi nhận dự phòng phải thu khó đòi 1,29 tỷ đồng so với cùng kỳ hoàn nhập 26,4 tỷ đồng.

Trái với lợi nhuận quý II lỗ trở lại, trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn Gỗ Trường Thành tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều. Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của Gỗ Trường Thành.

Được biết, Gỗ Trường Thành vừa trải qua 4 quý liên tiếp có lãi. Trong đó, quý II/2021 lãi gần 42 tỷ đồng; quý III/2021 lãi 1,62 tỷ đồng; quý IV/2021 lãi 9,55 tỷ đồng; và quý I/2022 lãi 18,54 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu tài chính đạt 1.159,18 tỷ đồng, tăng 54,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng thêm 5,04 tỷ đồng lên 7,76 tỷ đồng. Như vậy, tính tới 30/6/2022, Gỗ Trường Thành vẫn còn lỗ lũy kế lên tới 3.044 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ.

Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 10,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 33,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 76,76 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 61,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 9,83 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ Công ty đã tăng huy động vốn bên ngoài bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, Gỗ Trường Thành vừa trải qua hai năm dòng tiền âm liên tiếp. Trong đó, năm 2020 ghi nhận âm 170,07 tỷ đồng và năm 2021, Công ty tiếp tục ghi nhận dòng tiền âm 252,92 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tăng nhẹ 0,1% so với đầu năm lên 2.842,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 735,3 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 655,7 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 387,5 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác đạt 380,4 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý II, tổng nợ ngắn hạn là 2.334,1 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 1.977,8 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 356,3 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa Công ty đang có sự mất cân đối dòng tiền khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho 356,3 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Trước đó, trong báo cáo kiểm toán năm 2021, tính tới 31/12/2021, kiểm toán nhấn mạnh nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.052,48 tỷ đồng và tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty cũng vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn với số tiền là 251,82 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.

Được biết, tính tới 31/12/2021, nợ ngắn hạn của công ty là 2.341,5 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 2.089,7 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 251,82 tỷ đồng và công ty đang sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ một phần cho tài sản dài hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu TTF giảm 110 đồng về 8.140 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục