Theo Fiin Group, trong quý I/2019, ngoại trừ ngành ngân hàng giữ được mức tăng trưởng khá ấn tượng (bình quân ngành ngân hàng tăng trưởng 12%) thì nhiều doanh nghiệp ngành khác ghi nhận mức độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm 2018, thậm chí không đạt được kết quả như cùng kỳ. Đặc biệt, trong ngành bất động sản, các chỉ số lợi nhuận và “sức khỏe” doanh nghiệp đi xuống trong bối cảnh tín dụng cho ngành này được kiểm soát chặt; các chính sách liên quan như giá thuê đất và chu kỳ/sản lượng bán hàng của ngành có dấu hiệu chững lại.
Chưa đến thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II/2019, song dự báo sẽ không có nhiều doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh đột biến. Những doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ giảm tăng trưởng trong quý II vẫn là nhóm bất động sản, chứng khoán…, thậm chí nhiều doanh nghiệp có kết quả “đi lùi” so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy rõ hơn về tình trạng suy giảm mức tăng trưởng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2019. Cụ thể, có 954 công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý đầu năm 2019, tổng lợi nhuận sau thuế là 65.170 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 21,6% của cùng kỳ.
Phân loại theo tăng trưởng lợi nhuận quý I/2019, có 81% số doanh nghiệp báo lãi, trong đó một nửa lãi cao hơn và một nửa lãi thấp hơn quý I/2018. Trong nhóm ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái có một số công ty đáng chú ý là Vinhomes (VHM), Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), Xây dựng Conteccons (CTD)… Doanh nghiệp có lợi nhuận giảm mạnh nhất là Gemadept (GMD), với mức giảm 89%, thậm chí CII lỗ trong quý đầu năm.
Quý II/2019, với nhóm công ty chứng khoán, giới đầu tư phần nào đã hình dung được “bức tranh” kinh doanh của khối này khi diễn biến TTCK trong kỳ nhìn chung kém khả quan.
“Lợi nhuận của khối công ty chứng khoán có phần phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán và nhìn vào diễn biến của thị trường có thể hình dung được hiệu quả kinh doanh. Tuy vậy, diễn biến thị trường chỉ phần nào tác động đến hiệu quả kinh doanh của công ty, còn lại còn do nhiều yếu tố khác, đặc biệt là với những công ty có hoạt động tư vấn đóng vai trò chi phối”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ.
Thực tế, quý II năm ngoái, thị trường ghi nhận diễn biến giảm nên nếu chỉ so sánh quý, mức độ chênh lệch kết quả kinh doanh khối công ty chứng khoán quý II năm nay sẽ không lớn. Song so sánh kết quả kinh doanh bán niên thì con số chênh lệch giảm có thể ở mức đáng kể, nhất là khi một số công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường như SSI, HSC, VND… đều ghi nhận lợi nhuận suy giảm trong quý I/2019.
Không ít doanh nghiệp lường trước được nguy cơ suy giảm doanh thu, lợi nhuận trong năm nay nên đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Đơn cử, Công ty cổ phần Dầu khí Cà Mau (DCM) đặt mục tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2019 với 6.924 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 63% so với năm ngoái. 2019 là năm đầu tiên doanh nghiệp này áp dụng giá khí mới khi nhà máy vẫn còn trong giai đoạn khấu hao với chi phí khá lớn, do vậy, kết quả kinh doanh từng quý có thể sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường bắt đầu có phần cảm nhận cũng như chịu ảnh hưởng từ các dự phóng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của các công ty niêm yết. Nếu kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng kém khả quan như trong quý I, đây sẽ là yếu tố gây áp lực lớn lên thị trường.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Group, tăng trưởng hay suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngắn hạn không ảnh hưởng lớn đến chỉ số chứng khoán, nên việc đánh giá và theo dõi các yếu tố khác cũng như duy trì một chiến lược đầu tư hay lựa chọn nhóm cổ phiếu phù hợp sẽ quyết định đến hiệu quả đầu tư.