Quý I/2008: OTC bắt đầu vào “khuôn phép”

(ĐTCK-online) Được chuẩn bị từ khá lâu, đến ngày 8/11/2007, Phương án Tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết đã chính thức được Bộ Tài chính phê duyệt theo Quyết định số 3567/QĐ-BTC.
Quý I/2008: OTC bắt đầu vào “khuôn phép”

Cụ thể, TTGDCK Hà Nội (HASTC) sẽ chính thức quản lý cổ phiếu của các CTĐC. Để giúp nhà đầu tư (NĐT) hiểu rõ hơn về phương án này, ĐTCK giới thiệu một số nội dung của cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc (HASTC) với báo chí vào chiều ngày 22/11 vừa qua.

Tại sao HASTC lại chọn thời điểm này để đưa ra phương án tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của CTĐC chưa niêm yết?

Trước đây, do hạn chế về nguồn lực (hệ thống, con người, các văn bản pháp lý liên quan…) nên khó có thể quản lý hết số lượng không nhỏ các CTĐC. Còn đối với các CTĐC, điều chúng tôi lo ngại là không biết họ đã sẵn sàng cho việc giao dịch trên thị trường, tạm gọi là thị trường đăng ký giao dịch, hay chưa khi mà trước đó, trên thị trường niêm yết (TTNY), tại thời điểm HOSE và HASTC mới ra đời đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp (DN) lên sàn. Công tác tạo hàng cho TTNY đã mất rất nhiều thời gian và cuối cùng, cứ 10 DN được mời thì chỉ có 1 DN chấp nhận lên sàn. Còn về phía nhà đầu tư (NĐT), mặc dù TTCK đã có từ năm 2000 nhưng đến nay, nhận thức của họ mới được nâng lên, với việc bắt đầu quen dần với giao dịch, thị trường, các khái niệm và các vấn đề mang tính kỹ thuật. Do đó, nếu đặt vấn đề này từ rất sớm thì sẽ không khả thi. Đây mới là thời điểm chín muồi để thực hiện phương án này.

Cụ thể là của sự chín muồi này là gì, thưa ông?

Về mặt pháp lý, đó là sự ra đời của Luật Chứng khoán, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2006. Tiếp theo là khả năng sẵn sàng cho việc vận hành hệ thống giao dịch của các CTĐC chưa niêm yết của HASTC với tư cách là một đơn vị đang thực hiện các giao dịch tập trung. Ngoài ra, đó là việc DN đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc tham gia TTCK (CBCNV hưởng lợi ích từ cổ phiếu của DN mình, công tác quản trị DN tốt hơn nhờ việc công bố thông tin rộng rãi, minh bạch…). Đồng thời, đây cũng là một sự lựa chọn mang tính bắt buộc của DN khi phải giao dịch tại thị trường này trước khi lên niêm yết chính thức. Thêm vào đó, thị trường OTC (sắp tới là thị trường đăng ký giao dịch) đang hấp dẫn NĐT không kém gì TTNY, mặc dù không ai phủ nhận tính rủi ro cao của nó.

 

Khi cổ phiếu được giao dịch trên thị trường này thì có được hiển thị trên bảng giao dịch tại các CTCK hay không?

Đối với giao dịch trên thị trường này, chúng tôi có hệ thống riêng, cơ sở dữ liệu riêng, máy chủ riêng phần mềm riêng, chỉ dùng chung đường kết nối với CTCK. Trên bảng điện tử sẽ hiển thị trực tuyến tất cả thông tin liên quan như giá, khối lượng giao dịch của cổ phiếu được giao dịch gần nhất, giá chào mua và giá chào bán hiện tại…

Chúng tôi cũng sẽ phát huy lợi thế của chương trình infoshow từ HASTC để đẩy toàn bộ các thông tin giao dịch tới các CTCK để NĐT có thể theo dõi song song với việc đẩy lên trang web của CTCK và HASTC. Bên cạnh đó, trên trang web của HASTC cũng sẽ hiển thị phần công bố thông tin liên quan đến công ty đăng ký giao dịch. Trong đó, chúng tôi sẽ khuyến khích các DN cung cấp báo cáo tài chính theo quý (theo quy định chỉ là báo cáo năm). Song, sẽ không loại trừ khả năng số liệu thiếu chính xác hay sắp xếp thiếu khoa học.

 

Ông có thể cho biết cụ thể về iá tham chiếu, biên độ dao động giá và mức phí?

Sau khi lấy ý kiến của đông đảo thành viên thị trường, chúng tôi đã đi đến thống nhất là tính toán và công bố giá tham chiếu theo phương thức bình quân gia quyền, tránh trường hợp đưa ra mức giá tham chiếu quá cao hay quá thấp, thậm chí là bằng 0. Còn về biên độ dao động sẽ là +/-20%. Về phí giao dịch, đối với DN, HASTC dự kiến sẽ không thu bất kỳ khoản phí nào từ việc đăng ký giao dịch, nhưng phải nộp phí quản lý (chưa có con số chính thức, dự kiến là 5-10 triệu đồng) cho UBCKNN. Còn đối với NĐT thì do CTCK quy định, nhưng mức thu không vượt quá mức trần hay thấp hơn mức sàn do Bộ Tài chính quy định.

Ông có thể cho biết lộ trình triển khai thị trường này?

Về mặt pháp lý, phương án đã được phê duyệt. Bước tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ đưa ra quy chế, nhằm thể chế hóa các quy định có trong phương án.

Về cơ sở vật chất, cụ thể là phần mềm và đường truyền, chúng tôi đã chuẩn bị tương đối tốt. Công tác đào tạo cho các đại diện giao dịch của các CTCK cũng đã sẵn sàng. Đối với bộ phận lưu ký chứng khoán (LKCK), Bộ Tài chính đã ban hành quy chế về LKCK, về cơ bản, không có sự khác biệt lớn so với TTNY.

Thời gian đầu, theo phương án, chúng tôi sẽ chọn một số CTCK, tổ chức tài chính, bảo hiểm, ngân hàng (khoảng 30 - 40 DN thuộc diện này) tiến hành giao dịch trước. Sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và triển khai đồng loạt.

Theo lộ trình, thị trường này sẽ chính thức vận hành vào quý I/2008.

Kim Lan ghi
Kim Lan ghi

Tin cùng chuyên mục