Thống kê cho thấy, kết thúc tháng 2, VN-Index tiếp tục tăng 1,9% so với tháng 1, chủ yếu nhờ vào đà tăng tốt của các nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, hàng hóa công nghiệp và vận tải, riêng cổ phiếu mới niêm yết VJC của VietjetAir đóng góp tới 0,42% vào tăng trưởng của
VN-Index. Theo đó, trong danh mục của các quỹ, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành trên chiếm tỷ trọng lớn.
Tại Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI-SCA, tỷ trọng phân bổ của Quỹ vào nhóm ngành nghề liên quan đến xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn được duy trì ở mức cao và có mức tăng trưởng 1,4% trong tháng 2. Top 5 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất là HPG 10,2%; DBC 5,3%; HSG 5,1%; CTD 4,5% và VNM 4,4%.
SSI-SCA cho biết, lợi nhuận của Quỹ trong thời điểm cuối tháng có nhiều biến động, chủ yếu liên quan đến sự giảm giá tương đối mạnh của cổ phiếu lớn nhất trong danh mục là HPG, sau khi HPG công bố kế hoạch kinh doanh 2017 và phương án tăng vốn cho dự án mở rộng công suất của doanh nghiệp này. Cụ thể, giá cổ phiếu HPG đã giảm tổng cộng 5,4% trong tháng 2, trong đó riêng 2 tuần cuối tháng giảm tới hơn 11%.
Tuy nhiên, theo SSI-SCA, thông tin mà HPG công bố không làm Quỹ thay đổi quan điểm đầu tư vào tập đoàn này. SSI-SCA kỳ vọng, biên lợi nhuận ròng của HPG có thể duy trì ổn định ở mức cao trong vòng 3 năm tới nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, lợi thế về giá thành sản xuất và đóng góp của các sản phẩm giá trị gia tăng cao như que hàn, thép dây rút... Ngoài ra, doanh thu lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác ngoài thép cũng sẽ giúp HPG duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tiếp theo.
Tại Quỹ đầu tư Cổ phiếu hàng đầu VCBF-BCF và Quỹ đầu tư Cân bằng chiến lược VCBF-TBF, bên cạnh mức tăng trưởng NAV dẫn đầu, lần lượt là 7,93% và 6,37%, thì Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn của 2 quỹ cũng khá tương đồng. Cụ thể, với VCBF-BCF là VNM 8,8%; TCM 6,5%; MBB 5,9%; FPT 5,8% và VSC 3,7%; tổng NAV tương ứng của 5 cổ phiếu chiếm tới 30,7%.
Còn với VCBF-TBF là VNM 8,8%; TCM 5,5%; FPT 4,3%; MBB 4,2% và PVS 3,1%; tổng NAV tương ứng là 25,9%.
Điều tương tự cũng diễn ra với danh mục của Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VF1) và Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4). Tại VF1, tổng tài sản của Quỹ đạt 796,8 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền là 13,8%, còn lại cổ phiếu chiếm 86,2%. Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn là VNM 13,6%; MWG 7,7%; FPT 5,9%; BMP 5,7% và NVL 5,3%.
Còn tại VF4, Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất lên tới 60% NAV của Quỹ, trong đó VNM 11,5%; FPT 7,8%; MWG 6,9%; NVL 5,3% và VCB 5,3%; theo sau là PNJ, HPG, SAB, BMP, ACB.
Với kết quả khả quan, mức tăng trưởng của VF1 đạt 1,8%, thấp hơn đôi chút so với mức tăng trưởng của thị trường (1,9%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, VF1 tăng trưởng 4,6%. Tại thời điểm cuối tháng 2, tỷ trọng tiền mặt và tương đương tiền giảm từ 18,4% NAV xuống 13,7% NAV do Quỹ tăng thêm tỷ trọng một số cổ phiếu tốt đã có sẵn trong danh mục, đồng thời đầu tư vào một số cổ phiếu mới ngành dược và vận tải. Đáng chú ý trong đó là việc VF1 giải ngân vào cổ phiếu VJC trước định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới.
VF4 có mức tăng trưởng ấn tượng hơn, đạt 2,8%. Các ngành đóng góp chính vào mức tăng trưởng này gồm vận tải (+11,4%), bất động sản (+10,7%) và tiêu dùng (+8,7%). Tính đến cuối tháng 2, VF4 chỉ còn nắm giữ 8,8% tiền mặt do đã giải ngân khá nhiều vào cổ phiếu mới trên thị trường. VF4 cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư thêm trong thời gian tới, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận mà Quỹ có thể đạt được trong xu thế tăng trưởng của thị trường.
Các quỹ mở khác như Quỹ đầu tư Cổ phiếu Manulife (MAFEQI) ghi nhận mức tăng trưởng NAV từ đầu năm đến cuối tháng 2 là 5,9%. Tổng tài sản gồm 92,08% là cổ phiếu, tiền và tương đương tiền là 7,92%. 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất là VNM, VCB, FPT, DHG và VSC.
Quỹ đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) tăng 3,9%, trong đó Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất là HUT 14,2%; FPT 14,1%; HPG 9,3%; BCC 5,2% và PVS 4,8%.