Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước gia tăng tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 54,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20%; thu thuế thu nhập cá nhân 28,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4%; thu tiền sử dụng đất 29,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.
Theo dự báo của cơ quan này, thu ngân sách trong những quý tới có khả năng bị ảnh hưởng giảm sút do việc giãn hoãn, giảm một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp cùng các hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trong đó, đáng chú ý có động thái từ Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với tổng giá trị vào khoảng 80.200 tỷ đồng, cho phép gia hạn, giãn hoãn 4 loại thuế khác nhau bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 11.100 tỷ đồng, thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng, tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng, giãn hoãn nộp đến hết năm 2020.