Quý I/2021, Thế giới Di Động (MWG) tiếp tục gia tăng tồn kho dẫn tới dòng tiền âm lên tới 1.859,3 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã chứng khoán: MWG - sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý I/2021.
Quý I/2021, Thế giới Di Động (MWG) tiếp tục gia tăng tồn kho dẫn tới dòng tiền âm lên tới 1.859,3 tỷ đồng

Theo đó, trong quý I/2021, MWG ghi nhận doanh thu đạt 30.828,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.338 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 21% lên 22,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng từ 14% lên 7.024,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 12,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 462,3 tỷ đồng lên 4.345,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 39,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 308,6 tỷ đồng lên 1.088,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Được biết, trong năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.750 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 28,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mặc dù lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại âm. Cụ thể, trong quý I/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của MWG âm 1.859,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 3.829,2 tỷ đồng. Nguyên nhân dòng tiền âm chủ yếu do doanh nghiệp gia tăng mạnh tồn kho và khoản phải thu.

Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của MWG tăng thêm 8,4% so với đầu năm lên 49.885,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 23.253 tỷ đồng, chiếm 46,6% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 14.827 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 7.744,6 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng tài sản.

Trong kỳ, tồn kho tăng 19,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.830,8 tỷ đồng lên 23.253 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 143,4 tỷ đồng lên 1.738,7 tỷ đồng và đây chính là hai nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm trong kỳ.

Cơ cấu tồn kho của MWG tính tới 31/3/2021 (Nguồn: BCTC quý I/2021)
Cơ cấu tồn kho của MWG tính tới 31/3/2021 (Nguồn: BCTC quý I/2021)

Xét theo cơ cấu tồn kho của MWG, hiện nay tồn kho chiếm lớn nhất là thiết bị điện tử đạt 8.384,5 tỷ đồng, chiếm 36,1% tổng tồn kho; điện thoại di động đạt 5.639,1 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng tồn kho; thiết bị gia dụng đạt 3.385,8 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tồn kho và các tồn kho khác.

Tính tới 31/3/2021, MWG đã trích lập tới 455,1 tỷ đồng giảm giá tồn kho.

Hiệu quả sử dụng tài sản suy giảm theo thời gian của MWG

Hiệu quả sử dụng tài sản của MWG suy giảm từ 2014-2020 (Nguồn: BCTC)

Hiệu quả sử dụng tài sản của MWG suy giảm từ 2014-2020 (Nguồn: BCTC)

Nếu nhìn từ giai đoạn 2014-2020, hiện quả sử dụng tài sản của MWG (ROA) liên tục suy giảm mặc dù tài sản của doanh nghiệp liên tục tăng. Cụ thể, ROA năm 2014 là 23,9% nhưng tới năm 2020 chỉ còn là 8,9%. Bên cạnh đó, ROA của MWG trong quý đầu năm chỉ là 2,8%.

Có thể thấy nếu xét về quy mô tài sản của MWG liên tục gia tăng và đẩy mạnh tăng vào tồn kho nhưng điều này cũng đồng nghĩa hiệu quả sử dụng tài sản suy giảm liên tục khi ROA liên tục lao dốc và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu MWG tăng 900 đồng lên 140.900 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục