Quý I/2020: VPBank (VPB) đạt 2.911 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế

(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý I/2020 của VPBank (VPB) cho thấy, kết thúc ba tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của Ngân hàng đạt 9.906 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cũng kỳ năm trước. 
Quý I/2020: VPBank (VPB) đạt 2.911 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế

Các nguồn thu của ngân hàng tiếp tục được đa dạng hóa nhằm giảm thiểu các tác động từ thị trường và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ hợp nhất đạt 695 tỷ đồng, tăng 33,4% so với một năm trước.

Trong đó, thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ tăng 49,4%. Hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại doanh thu cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng hợp nhất.

Tự động hoá và số hoá tiếp tục tạo ra các nền tảng vững chắc cho ngân hàng kiểm soát tốt chi phí hoạt động trong quý I/2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều khoản chi phí cũng đã được tiết kiệm và cắt giảm, chính vì vậy, trong ba tháng qua, chi phí hoạt động hợp nhất gần như không tăng so với quý IV/2019 và chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 24,4% của tổng thu nhập hoạt động; nhờ đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đã giảm từ 33,9% cuối năm 2019 xuống 33,1% cuối tháng 3/2020. 

Mặc dù có bị ảnh hưởng ban đầu bởi Covid-19, nhưng VPBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020 với 2.911 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ là 2.074 tỷ đồng và của công ty FE Credit là 917 tỷ đồng. 

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59% tại cuối quý I/2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15% trong cũng thời kỳ. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, của ngân hàng riêng lẻ tăng 111% và 90% đối với FE Credit, góp phần đưa thu nhập của hợp nhất tăng gấp đôi.

Trong ba tháng đầu năm, ngân hàng trích lập 3.712 tỷ đồng dự phòng. Do đó, chi phí dự phòng đã tăng so với cùng kỳ năm trước 26,1% khi loại trừ ảnh hưởng dự phòng đã trích cho dư nợ trái phiếu VAMC trong 2019. Riêng ngân hàng mẹ, chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng được thể hiện rõ nét trong việc tăng chi phí dự phòng cho vay khách hàng lên tới 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tỷ lệ CAR theo Thông tư 41 của Ngân hàng đạt 11,1%, vượt 3% so với mức tối thiểu 8%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 28,7%, cách xa ngưỡng 40% của Ngân hàng Nhà nước.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục