Quỹ hưu trí là sự phát triển tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) chia sẻ, từ hơn 10 năm nay, Công ty nỗ lực phát triển quỹ hưu trí tại Việt Nam, một thành phần không thể thiếu của nhà đầu tư tổ chức trong thị trường vốn. 
Theo các chuyên gia, sự hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện là giải pháp chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội. Theo các chuyên gia, sự hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện là giải pháp chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội.

Ngày 27/4/2021, DCVFM đã ra mắt thành công chương trình Hưu trí An Vui. Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên này có ý nghĩa như nào với thị trường vốn Việt Nam, thưa ông?

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM).

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM).

Dragon Capital đã cố gắng phát triển quỹ hưu trí hơn 10 năm nay và Hưu trí An Vui là chương trình đầu tiên sau khi VFM và Dragon Capital hợp nhất thành DCVFM nên có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi.

Quỹ hưu trí bổ sung là nhà đầu tư tổ chức lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất ở các thị trường phát triển, với danh mục mẫu là đầu tư cổ phiếu 60%, trái phiếu 40%, nên có vai trò quan trọng trên cả hai thị trường.

Tại thị trường vốn Việt Nam hiện nay, tỷ lệ giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư có tổ chức là dưới 5%, trong khi ở các thị trường phát triển phổ biến trên 50%. Việt Nam cần bổ sung các thành phần khác nhau tham gia thị trường vốn cho chuyên nghiệp, bền vững, đa dạng và quy mô hơn.

Điều này là rất quan trọng, không chỉ với chúng tôi. Vấn đề mà DCVFM gặp không ít lần là công ty niêm yết có dự án muốn gọi vốn nhưng danh sách cổ đông có 90% nhà đầu tư cá nhân nên không thể đối thoại thường xuyên xem họ có ủng hộ không.

Nhà nước khi huy động vốn cũng cần đối thoại với các nhà đầu tư có tổ chức. Kho bạc Nhà nước khi phát hành trái phiếu mới chỉ nói chuyện với ngân hàng và công ty bảo hiểm. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng không có đối thoại đó, công ty phát hành cổ phiếu cũng vậy.

Vì thế, các nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường vốn. Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện là một trong những thành phần không thể thiếu, bên cạnh các quỹ đầu tư, công ty đầu tư tài chính, quỹ quốc gia, quỹ địa phương…

Còn ý nghĩa an sinh xã hội như cái tên Hưu trí An Vui thì sao?

Việt Nam thiếu vắng các quỹ đầu tư dành cho đối tượng nhà đầu tư là những người già, tuổi hưu. Quỹ bảo hiểm xã hội có thể xem là một chương trình hưu trí có mức hưởng xác định trước (Defined benefit - DB), có nghĩa là mình góp vào quỹ bao nhiêu, bất chấp quỹ thế nào thì khoản chi ra được ấn định dựa vào cái khoản mình đã góp vào.

Trên thế giới bây giờ, dạng quỹ này dần nhỏ lại tương đối so với chương trình hưu trí khác, vì giữa phần đóng và cam kết chi ra là có rủi ro mà không kiểm soát được.

Họ chuyển qua chương trình hưu trí có mức đóng xác định (Defined contribution - DC), mức chi trả được xác định dựa trên phần đóng góp thực tế của người tham gia cộng với lợi nhuận đầu tư. Việt Nam chưa có chương trình hưu trí có mức đóng xác định, nên hơn 10 năm qua, DCVFM đã cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu, “xây dựng mô hình quỹ hưu trí tự nguyện dựa trên cơ sở tự đóng góp và hưởng toàn bộ kết quả đóng góp”.

Mô hình mà Bộ Tài chính đã quyết định cho phép thực hiện và DCVFM đang triển khai là phù hợp trong thời điểm này vì chương trình không có rủi ro về đầu vào - đầu ra và lại là “tự nguyện” (trong khi bảo hiệm xã hội là bắt buộc).

Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của Quỹ sau 1 năm tới?

Chúng tôi có tham vọng nhưng cũng rất thực tế. Dạng quỹ này, các khoản tiền thu hút vào là khá nhỏ vì đóng hàng tháng trong thời gian dài nên DCVFM có tầm nhìn dài hạn. Bước đầu, mình thành lập để thị trường có thêm một sự lựa chọn.

Song song đó, Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh các mô hình nếu cần, cho phép thêm người khác tham gia…, dần dần mới rõ được bức tranh như thế nào. Nhưng tôi tin là Hưu trí An Vui đáp ứng nhu cầu không nhỏ của doanh nghiệp và cá nhân hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Tôi hoàn toàn tin tưởng sự phát triển tất yếu của quỹ hưu trí nhằm mục đích giúp người tham gia gia tăng tích lũy tài sản và nâng cao mức sống sau khi nghỉ hưu. Vì vậy, chúng tôi tự hào khi ký kết hợp đồng quỹ hưu trí đầu tiên cho tất cả nhân viên của DCVFM, trong đó có bản thân tôi, qua đó mang lại cho họ những phúc lợi cần thiết và hữu dụng nhất.

Hưu trí An Vui sẽ hướng đến đối tượng khách hàng nào trước tiên?

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính

Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện. Đây là bước đi mở đường để các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu góp phần làm tốt hơn chính sách an sinh xã hội và phát triển nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn, thị trường tài chính.

Thông thường, lương, thưởng, bảo hiểm y tế và quỹ hưu trí là 4 thành phần quan trọng trong chương trình đãi ngộ của các doanh nghiệp.

Trong các thành phần này, quỹ hưu trí là công cụ dài hạn và tạo sự gắn kết quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn toàn cầu ở Việt Nam trước đây không thể đưa quỹ hưu trí vào phúc lợi cho nhân viên thì nay có thể tham gia chương trình quỹ hưu trí.

Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp trong và ngoài nước khác tham gia chương trình để thu hút và giữ nhân tài.

Đối tượng cá nhân thì đang được khuyến khích bằng chính sách thuế. Cũng như nhiều nước, tại Việt Nam, Bộ Tài có 2 ưu đãi. Với người sử dụng lao động được lấy bình quân 3 triệu đồng/tháng/người hạch toán vào chi phí hợp lệ. Người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân với mức 1 triệu đồng/tháng.

Đối với các doanh nghiệp, mức 3 triệu đồng/tháng là không nhỏ, dĩ nhiên, nhiều người cho là không lớn, nhưng ý của Bộ Tài chính là thí điểm trước, thành lập chương trình, đưa ra thị trường để đo lường sự quan tâm, một thời gian sau sẽ xem xét lại, theo tôi là rất hợp lý.

Để áp dụng cái này, doanh nghiệp hoặc là phải giảm lương hàng tháng 3 triệu đồng, hoặc là tăng lương hàng tháng để có “chỗ” cho 3 triệu đóng quỹ hưu trí.

Nhưng người Việt vẫn có thói quen gửi tiết kiệm ngân hàng, mua bảo hiểm nhân thọ, đầu tư bất động sản…?

So với gửi tiết kiệm ngân hàng thì chương trình hưu trí đòi hỏi một cam kết lâu dài để tích lũy và tối đa hoá các khoản lợi nhuận từ đầu tư.

Chương trình này khác hẳn với tự quyết định đầu tư, bởi có một tổ chức chuyên nghiệp quản lý cho tài sản này, nên thông thường mọi người hay so sánh với bảo hiểm nhân thọ.

Điểm khác nhau cơ bản nhất, bảo hiểm nhân thọ là khoản bảo hiểm sinh mạng dành cho người thụ hưởng, còn tham gia quỹ hưu trí là để đảm bảo thu nhập dành cho chính mình khi đến tuổi hưu; thứ hai là khác nhau về ưu đãi thuế giữa các loại sản phẩm; thứ ba là mức độ thanh khoản.

Bảo hiểm nhân thọ khi rút vốn sớm sẽ mất một phần gốc đã đóng, còn tham gia quỹ hưu trí, mình có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, hoặc rút vào tuổi hưu trong 120 tháng để được miễn thuế.

Cuối cùng, sản phẩm bảo hiểm đa phần chỉ hứa hẹn một mức lợi tức nhất định, thường thấp hơn mức lạm phát. Ngược lại, người tham gia quỹ hưu trí sẽ nhận được toàn bộ lợi nhuận trên số tiền đầu tư trừ đi phí quản lý và dịch vụ.

Đáng chú ý, khi mua bảo hiểm là bạn góp vốn cho công ty bảo hiểm nhân thọ, thành tài sản có của công ty và công ty ghi khoản nghĩa vụ với khách hàng. Mối quan hệ giữa tài sản có và nghĩa vụ đó không rõ ràng. Còn với quỹ hưu trí, tài sản của quỹ được giữ và giám sát tại ngân hàng lưu ký và giám sát, công ty quản lý quỹ chỉ điều hành hoạt động đầu tư. Khoản đầu tư vào quỹ hưu trí của DCVFM sẽ được định giá 2 tuần/lần.

Quỹ hưu trí tại Việt Nam được nhìn nhận sẽ phát triển nhằm mục đích giúp người tham gia gia tăng tích lũy tài sản và nâng cao mức sống sau khi nghỉ hưu.
Quỹ hưu trí tại Việt Nam được nhìn nhận sẽ phát triển nhằm mục đích giúp người tham gia gia tăng tích lũy tài sản và nâng cao mức sống sau khi nghỉ hưu.

Quỹ hưu trí của DCVFM sẽ phân bổ danh mục đầu tư như thế nào?

Chương trình Hưu trí An Vui của DCVFM gồm có 3 quỹ được thiết kế gợi ý theo độ tuổi của người tham gia: Thịnh An với tỷ trọng phân bổ danh mục cổ phiếu - trái phiếu là 50% - 50%, gợi ý cho người dưới 35 tuổi; Phúc An với 35% - 65% cho người 35 - 50 tuổi và Vĩnh An với 20% - 80% dành cho người trên 50 tuổi. Nhà đầu tư có thể lựa chọn một quỹ để tham gia đóng góp và thay đổi quỹ theo tuổi hoặc mức chấp nhận rủi ro.

Chương trình này hoàn toàn không phải để “lướt sóng”, mà là để tích luỹ.

Qua khảo sát trên thị trường, DCVFM rút ra rằng, có 3 yếu tố quan trọng để chọn các khoản đầu tư cho quỹ, thứ nhất là thanh khoản, thứ hai là không để mất tiền, thứ ba là có uy tín và bề dày lịch sử.

Rủi ro của các quỹ hưu trí là gì?

Rủi ro cần hiểu 2 vế khác nhau. Vế thứ nhất là phân bổ tài sản theo 3 tỷ trọng nói trên thì có rủi ro khác nhau. Vế thứ hai là đa dạng danh mục.

Theo quy định hiện hành, quỹ hưu trí chỉ được phép đầu tư vào 2 loại tài sản là trái phiếu chính phủ và quỹ đầu tư, nhằm đa dạng hóa danh mục, tránh rủi ro trực tiếp khi đầu tư vào từng trái phiếu hoặc cổ phiếu của một công ty riêng biệt.

Quỹ hưu trí có thể tham gia vào bất kỳ quỹ đầu tư nào hiện có ở Việt Nam. Trong thời gian đầu, chưa có nhiều quỹ đầu tư trên thị trường nên mỗi quỹ hưu trí có khoảng 5 khoản đầu tư, trong 5 năm tới dự kiến khó có hơn 10 - 15 khoản đầu tư.

Dựa trên hiểu biết, uy tín và lịch sử hoạt động thì các quỹ hưu trí trong chương trình Hưu trí An Vui sẽ đầu tư ít nhất và không giới hạn vào các quỹ của do DCVFM quản lý như VF1, VF4, VFB, 2 quỹ ETF là VFMVN30 và VFMVN Diamond.

Ông có tin tưởng rằng, sản phẩm quỹ hưu trí đầu tiên sẽ thành công?

Quỹ hưu trí đã có mặt trên thế giới từ hơn 250 năm nay, được ví như “con voi” trên thị trường, mô hình được nâng cấp theo xu hướng và phát triển vững chãi.

Ở các nước, tham gia chương trình hưu trí là bắt buộc, như ở Anh, tôi thuê người làm vườn cho gia đình, buộc phải đóng quỹ hưu trí cho người đó.

Mô hình bảo hiểm xã hội của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới nhận xét là cấu trúc chưa chuẩn. Mô hình gợi ý là chương trình quỹ hưu trí bắt buộc giống như các nước, thúc đẩy mọi người đi làm. Có thể khuyến khích thêm những người có điều kiện tham gia chương trình bổ sung tự nguyện như Hưu trí An Vui.

Theo tôi, Việt Nam chọn mô hình “bổ sung tự nguyện” để làm trước, thử nghiệm trước khi tiến tới chương trình hưu trí có mức đóng góp xác định bắt buộc như các nước khác. Đây là sự phát triển tất yếu.

Các sản phẩm của Quỹ Hưu trí An Vui

Chương trình Hưu trí An Vui của DCVFM ra mắt ba sản phẩm quỹ Thịnh An, Phúc An và Vĩnh An, được thiết kế đơn giản và linh hoạt cho người tham gia dễ dàng lựa chọn chương trình đầu tư phù hợp với độ tuổi, thời gian và mức độ rủi ro.

Quỹ Thịnh An (phù hợp với người tham gia dưới 35 tuổi và có thời gian đi làm trên 30 năm), quỹ này phân bổ 50% vào quỹ cổ phiếu và 50% còn lại vào trái phiếu chính phủ hoặc quỹ trái phiếu.

Quỹ Phúc An (phù hợp với độ tuổi 35 - 50 tuổi): 35% đầu tư vào quỹ cổ phiếu và 65% đầu tư vào quỹ trái phiếu hoặc trái phiếu chính phủ.

Quỹ Vĩnh An (phù hợp với độ tuổi trên 50 tuổi): 20% đầu tư vào quỹ cổ phiếu và 80% đầu tư vào quỹ trái phiếu/trái phiếu chính phủ.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục