Nguồn lực có hạn, quy hoạch cần khả thi
Liên tục trong 2 ngày cuối tuần qua, Quốc hội đã có 2 phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường về Quy hoạch Tổng thể quốc gia.
Dự thảo nghị quyết về nội dung này nêu rõ, Quy hoạch Tổng thể quốc gia là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cả nước.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đó, bên cạnh chia sẻ những khó khăn khi việc lập Quy hoạch chưa từng có tiền lệ này, các vị đại biểu khi thảo luận tổ và hội trường đã đóng góp hàng trăm ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch, yên tâm hơn khi bấm nút.
Theo yêu cầu của Quốc hội, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ quan điểm này, trong bối cảnh nguồn lực đất nước có hạn, Quy hoạch Tổng thể quốc gia phải khả thi là vấn đề được nhiều đại biểu nhấn mạnh khi thảo luận.
Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương), Phó chủ tịch chuyên trách, kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nêu thực tế, hiện nay, rất nhiều tỉnh có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào.
“Sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500 km. Nhưng thực tế, trong khoảng 450 km, nhưng có 5-6 sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ông Phàn nhìn nhận.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (An Giang), Phó tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng nhìn nhận, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng cấp, mở mới 63 cửa khẩu, trong đó mở mới, nâng cấp 20 cửa khẩu đất liền, là rất khó khả thi.
Đại biểu Chiến cho biết, Việt Nam hiện có 168 cửa khẩu các loại, gồm đất liền, biển, hàng không. Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng quản lý 154 cửa khẩu và một số do Bộ Công an quản lý. Ông Chiến nhấn mạnh, quy trình mở mới, nâng cấp cửa khẩu rất phức tạp, nhanh cũng mất 2 năm, có những cửa khẩu 4 - 5 năm chưa xong, bởi phải có sự đồng thuận của Chính phủ, chính quyền hai bên. Cùng với đó, phải đạt được những thống nhất về lượng người, hàng hóa, phương tiện, liên quan đến quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, hai nước.
Việc lập quy hoạch, theo Chính phủ, là đã tiếp thu, học tập kinh nghiệm các nước có điều kiện tương đồng. Song, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân (đại biểu TP.HCM) lưu ý, Việt Nam học tập kinh nghiệm các nước để làm quy hoạch, nhưng khi thực hiện phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước, bởi “chúng ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris, trong khi nguồn lực có hạn”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc góp ý, quy hoạch đến năm 2030 cần tạo khung cứng về kết cấu hạ tầng cho toàn bộ đất nước, tính toán cụ thể bao nhiêu sân bay, cảng biển trọng điểm cần đầu tư, các tuyến đường cao tốc… “Trong đó, phải tính đến nguồn lực trong nước bao nhiêu, vay nước ngoài bao nhiêu, từ xã hội hoá thông qua PPP là bao nhiêu. Như vậy, sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ triển khai các dự án, thì mới sớm đến đích”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Liên quan nguồn lực, Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch nêu “huy động vốn vay nước ngoài với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, hiệu quả, tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ”.
Sẽ bổ sung, không bó hẹp
Một vấn đề rất lớn, tâm tư từ thảo luận tổ, đến phiên thảo luận tại hội trường được một số vị đại biểu đề cập là mức độ chi tiết của Quy hoạch.
Đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh góp ý, Quy hoạch Tổng thể quốc gia không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng thông qua.
“Quy hoạch Tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có có căn cứ xây dựng các chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp. Cùng với đó, cần xem xét trong Quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý, tức là quy hoạch ‘cứng’, như nội dung liên quan tới đất đai, giao thông, năng lượng, quốc phòng an ninh… thì nên ‘chốt cứng’ trong chiến lược này. Còn các vấn đề có thể xã hội hoá được thì nên xác định là quy hoạch ‘mềm’. Tức là, Quy hoạch Tổng thể quốc gia phải vừa có quy hoạch cứng và quy hoạch mềm, tránh việc đi vào chi tiết, chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí bó khung lại thì hạn chế phát triển thời gian tới”, đại biểu An góp ý.
Đồng tình cao với quan điểm trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, bối cảnh từ năm 2021 đến nay cho thấy, không chỉ có dịch bệnh, mà tình hình thế giới cũng đầy bất định. Vì thế, để đảm bảo tính khả thi cao hơn thì quy hoạch tổng thể này không cần quá nhiều con số chi tiết, mà cần đạt được tính khái quát cao hơn, ưu tiên hơn cho mục tiêu không gian phát triển quốc gia được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như quan điểm đã được nêu tại Dự thảo Nghị quyết.
Giải trình cuối phiên thảo luận toàn thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nên mức độ chi tiết đến đâu vẫn là vấn đề khó nhất. Qua thảo luận, các vị đại biểu cũng còn ý kiến khác nhau về vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch Tổng thể nằm giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch cấp dưới, đã đảm bảo tuân thủ các nghị quyết của Đảng.
Hồi âm một số vấn đề được đại biểu quan tâm từ 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường, trong đó có đề nghị bổ sung một số vùng động lực mới, Bộ trưởng cho biết, việc này sẽ không bó hẹp. Với điều kiện hiện nay, Quy hoạch xác định 4 vùng động lực quốc gia (phía Bắc, phía Nam, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) để ưu tiên về thể chế, nguồn lực phát triển để các vùng này có đóng góp lớn hơn tạo sự lan tỏa.
“Sẽ dần hình thành các vùng động lực mới. Thời gian tới, vùng nào đủ điều kiện thì sẽ bổ sung”, Bộ trưởng hồi âm đề xuất của đại biểu.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch.
“Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ rà soát, chỉnh lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia. Với tư cách cơ quan soạn thảo, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để Quy hoạch đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồi âm đại biểu.
Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai
Theo nghị trình, chiều nay (9/1), sau 4 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai. Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Dự kiến 8 dự án quan trọng quốc gia
Sau phiên thảo luận tổ, Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chỉnh lý. Đáng chú ý là, danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã giảm từ 23 xuống còn 8 dự án, gồm: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây; Đường bộ cao tốc Đông - Tây; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường vành đai Thủ đô Hà Nội, vành đai TP.HCM; Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Đường sắt đô thị Hà Nội, đường sắt đô thị TP.HCM; các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế.