Quy hoạch sẽ khai mở nhiều không gian kinh tế mới cho TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Đoàn Mạnh Thắng, Giám đốc Ngành nước & Quy hoạch Việt Nam của Royal HaskoningDHV (đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn xây dựng Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), đây là bản quy hoạch tích hợp toàn diện, mang tính chiến lược cao, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của Thành phố.
Ông Đoàn Mạnh Thắng, Giám đốc Ngành nước & Quy hoạch Việt Nam của Royal HaskoningDHV Ông Đoàn Mạnh Thắng, Giám đốc Ngành nước & Quy hoạch Việt Nam của Royal HaskoningDHV

Thưa ông, TP.HCM đã xây dựng khá nhiều bản quy hoạch. Vậy Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) có điều gì nổi trội so với các quy hoạch trước đó?

TP.HCM đã có gần 1.000 quy hoạch lớn nhỏ. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước đây, các quy hoạch thường do các sở chuyên môn chủ trì và thực hiện độc lập, dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu tính thống nhất và đặc biệt là không xác định rõ nguồn lực để thực hiện.

Quy hoạch TP.HCM lần này là một quy hoạch tổng thể, được xây dựng theo phương pháp tích hợp, do UBND TP.HCM chủ trì, Ban Quản lý Dự án Quy hoạch thành phố làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện, Thành phố đã chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận/huyện, các viện nghiên cứu, chuyên gia và nhà khoa học.

Các mục tiêu chiến lược của Quy hoạch là xây dựng TP.HCM thành một đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp, là đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.

Thành phố sẽ có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, là thành phố có chất lượng sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đạt mục tiêu này, cần phải phân công trách nhiệm rõ ràng giữa TP.HCM và các bộ, ngành trung ương, lên lộ trình triển khai các chương trình, dự án theo quy hoạch, xác định trọng tâm, tiến độ, nguồn lực và xây dựng chính sách thu hút nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Một trong những yếu tố then chốt trong quá trình triển khai Quy hoạch chính là nguồn lực thực hiện. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư rất lớn, nhưng nguồn lực và ngân sách lại luôn hữu hạn, việc xác định thứ tự ưu tiên và phân bổ nguồn lực theo thứ tự là điều bắt buộc. Nguồn lực ở đây bao gồm cả vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.

Danh mục các dự án ưu tiên đã được xác định rõ ràng, trong đó vốn đầu tư công đóng vai trò “vốn mồi”, tạo đà và dẫn dắt dòng vốn đầu tư tư nhân. Khi cơ chế rõ ràng, danh mục dự án cụ thể và TP.HCM đã được ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công cao hơn, thì đây chính là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều nhà đầu tư lớn đang chờ đợi các dự án khả thi và một cơ chế vận hành minh bạch để sẵn sàng rót vốn vào TP.HCM - một “mảnh đất hứa” với tiềm năng phát triển vượt trội.

Quy hoạch này sẽ có các bước đột phá như thế nào để nâng cao tính khả thi, thưa ông?

Đầu tiên, chúng ta phải có được các đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, gồm đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị.

Song song với đó là đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Đột phá quan trọng nữa là trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược, trong đó chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả 3 yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, còn có những đột phá nằm ở các dự án mang tính chất “chuyển đổi tình thế” - các dự án có khả năng thay đổi căn bản trạng thái phát triển của thành phố. Tiêu biểu là các tuyến đường sắt đô thị (Metro), Dự án Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các tuyến đường vành đai 3 và 4, trục đường ven sông Sài Gòn, cùng với các khu du lịch, thương mại, vui chơi giải trí ven sông…

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch tích hợp toàn diện, mang tính chiến lược cao (Ảnh minh họa)

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch tích hợp toàn diện, mang tính chiến lược cao (Ảnh minh họa)

Theo ông, cơ chế nào là khả thi để thu hút nguồn vốn phát triển Thành phố trong thời gian tới? Làm sao để mời gọi được các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia?

Trong quy hoạch này, để đạt được tăng trưởng kinh tế hai con số đến năm 2050 và thu nhập bình quân đầu người đạt 14.500 - 15.000 USD/người, thì tổng đầu tư toàn xã hội chúng tôi ước tính cần khoảng 320 tỷ USD.

Cơ chế thu hút khả thi cho nguồn vốn phát triển Thành phố trong thời gian tới bao gồm tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư công trên địa bàn, tập trung cho các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách của Thành phố để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án đang chậm tiến độ, vướng mắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Vốn đầu tư công rất quan trọng vì là nguồn vốn ban đầu để phát triển hạ tầng, sau đó sẽ dễ dàng để phát triển các đô thị xung quanh. Trong 1-2 năm vừa rồi, Chính phủ đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, mở ra cơ hội phát triển rất lớn. Hiện tại, đất phát triển công nghiệp của TP.HCM còn rất ít, chỉ khoảng 10.000 ha. Do đó, trong Quy hoạch, TP.HCM được định hướng để thu hút ngành công nghệ cao, những ngành giá trị gia tăng đất công nghiệp cao, có thể lên đến 20-30 USD cho mỗi mét vuông.

Để thu hút, chúng tôi đưa ra các mô hình khác nhau. Ngoài TOD liên quan đến giao thông là chính, nhưng trong hạ tầng sẽ có xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BLT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BOO).

Song song với đó là triển khai hiệu quả đề án huy động nguồn lực gắn các cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư thông qua các hình thức hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và kế hoạch khai thác quỹ đất để tăng cường nguồn thu từ đất, phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, phát huy các nguồn tài trợ không hoàn lại.

Để thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia, Thành phố nên cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cấp hạ tầng số, chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, giảm chi phí không chính thức và tăng khả năng cạnh tranh.

Các vấn đề khác là tiếp tục nỗ lực cải thiện hạ tầng hiện đại, đồng bộ để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, thiết lập các gói hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất và chi phí nguyên liệu cho doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành mũi nhọn, kết hợp kết nối đối tác công-tư để tăng cường nguồn lực phát triển, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, điểm nghẽn lớn nhất là cơ chế. Do đó, không phải TP.HCM thiếu vốn, mà thiếu cơ chế để thu hút vốn. Chúng ta thường nói đầu tư công là “vốn mồi” để kích thích vốn đầu tư tư nhân. Thực tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư, nhưng vì vẫn chưa có cơ chế rõ ràng khiến họ ngần ngại khi ra quyết định đầu tư. Giải quyết được vấn đề này, trong một vài năm tới, Thành phố sẽ giống như một chiếc lò xo bị nén - một khi được giải phóng, sẽ phát triển rất nhanh và mạnh mẽ.

Bích Ngọc thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục