Quý hồ tinh, bất quý hồ đa

(ĐTCK) Đó là quan điểm của ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản ký kinh doanh, UBCK khi trả lời ĐTCK về việc sẽ có bao nhiêu CTCK tồn tại sau ngày 1/4/2012.
Ông Phạm Hồng Sơn

Đề án tái cấu trúc các CTCK đã chính thức được ban hành với kỳ vọng sẽ làm thước đo để đánh giá và phân loại các CTCK. Ông nhận xét gì về đề án trên?

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, UBCK đã xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ TTCK. Việc nhanh chóng ban hành quyết định trên cho thấy tính quyết liệt của Bộ Tài chính trong nỗ lực đẩy mạnh chất lượng các CTCK.

Mục tiêu của Đề án là hướng tới xây dựng hệ thống các CTCK lành mạnh, hoạt động có chất lượng cao. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý phân nhóm và giám sát các CTCK, đồng thời cũng là cơ sở để các CTCK tự điều chỉnh, tái cấu trúc hoạt động của chính mình.

Tuy nhiên, hướng xử lý các CTCK nằm trong nhóm kiểm soát, kiểm soát đặc biệt của Đề án thì vẫn phải theo Luật Chứng khoán và Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

 

Vậy, kế hoạch cụ thể của việc giám sát các CTCK như thế nào, thưa ông?

Thực ra, tiêu chí phân loại các CTCK của Đề án chủ yếu là theo Thông tư 226. Ngoài ra, chúng tôi có gắn thêm các điều kiện liên quan đến lỗ lũy kế. Theo Luật Chứng khoán, nếu CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng dưới 120%, kèm theo lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ thì sẽ phải ngừng hoạt động. Việc phân chia các nhóm chính là để các CTCK tự biết mình thuộc nhóm nào để có biện pháp khắc phục.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, CTCK cũng đã có những nỗ lực trong tái cơ cấu hoạt động. Việc cắt giảm số lượng các phòng giao dịch, chi nhánh không hiệu quả, rút bớt các hoạt động nghiệp vụ rủi ro, khả năng sinh lời kém hoặc không phải thế mạnh của CTCK như thời gian vừa qua là ví dụ rõ nhất.

Về việc kiểm tra các CTCK theo nội dung Đề án, trên thực tế, UBCK đã thực hiện từ trước. Đây là nội dung kiểm tra, yêu cầu CTCK báo cáo giống như quy định tại Thông tư 226. Với CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng dưới 150% thì phải báo cáo hàng tuần, dưới 120% thì phải báo cáo hàng ngày. Bên cạnh đó, UBCK cũng thực hiện kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường các CTCK để giám sát mức độ tuân thủ quy định cũng như thực trạng sức khỏe của các CTCK.

 

Một nội dung của việc kiểm tra là giám sát việc tách biệt tài sản của NĐT. Nếu CTCK không thực hiện thì sẽ cho thời hạn tối đa 2 tháng để thực hiện. Vậy trên thực tế, việc quản lý tài sản NĐT của các CTCK đến đâu?

Như trên đã nói, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các CTCK thành viên. Trong thời gian qua, UBCK đã phát hiện một số trường hợp chưa nghiêm túc trong việc quản lý tài sản của NĐT. Chúng tôi đã làm việc với các trường hợp này và yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định về quản lý tách bạch tài sản NĐT với tài sản của CTCK. Các CTCK cũng đã có cam kết về việc đầu tư hạ tầng công nghệ, con người và thời hạn hoàn thành việc quản lý tách bạch tài sản.

 

Theo tinh thần của Quyết định thì trong thời gian tới, số lượng các CTCK được giảm bớt. Vậy theo ông, những CTCK như thế nào sẽ phải đóng cửa? Cần có bao nhiêu CTCK là hợp lý?

Việc giảm số lượng CTCK phải hiểu như thế này: nếu CTCK không đáp ứng được yêu cầu tỷ lệ an toàn tài chính và không khắc phục được tình trạng đó trong thời gian luật định thì sẽ buộc phải đóng cửa hoặc rút bớt nghiệp vụ kinh doanh. Tôi cho rằng, bao nhiêu CTCK không quan trọng bằng việc các CTCK hoạt động lành mạnh, có hiệu quả. Quy luật thị trường đào thải, cộng với sự kiểm tra nghiêm ngặt việc tuân thủ Thông tư 226 kể từ ngày 1/4/2012 sẽ là cơ sở quan trọng để giảm số lượng các CTCK.

 

  • Tái cấu trúc CTCK trên cơ sở phân loại thành 3 nhóm:

    Nhóm 1 - nhóm bình thường: Nhóm này bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% vốn điều lệ.

     

    Nhóm 2 - nhóm kiểm soát: Nhóm này bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% vốn điều lệ.

     

    Nhóm 3 - nhóm kiểm soát đặc biệt: Nhóm này bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ.

     

    Các CTCK sẽ được tái cấu trúc theo hướng sau:

     

    Biện pháp trước mắt (từ nay đến 1/4/2012):

     

    - Yêu cầu các CTCK này thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần (đối với nhóm 2), hàng ngày (đối với nhóm 3);

     

    - Cử đoàn kiểm tra đến nắm tình hình hoạt động của công ty, nếu phát hiện CTCK chưa thực hiện tách biệt tài sản của nhà đầu tư thì yêu cầu CTCK thực hiện trong thời hạn tối đa 2 tháng; đề nghị HĐQT (Hội đồng thành viên) xem xét, trình ĐHCĐ (Chủ sở hữu) xem xét phương án tăng vốn điều lệ;

     

    - Chỉ đạo 2 Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký kiểm soát chặt chẽ vấn đề thanh toán giao dịch của công ty;

     

    - Trường hợp liên tục vi phạm thiếu tiền thanh toán, lạm dụng tiền gửi của khách hàng, xem xét rút phép nghiệp vụ môi giới chứng khoán theo quy định pháp luật.

     

    Biện pháp áp dụng từ sau ngày 1/4/2012:

     

    Đối với nhóm 1: Tiếp tục rà soát và giám sát tình hình tài chính của nhóm này để có giải pháp kịp thời nếu thị trường tiếp tục khó khăn.

     

    Đối với nhóm 2: Áp dụng các nhóm giải pháp hành chính và kinh tế theo quy định của Thông tư 226.

     

    Đối với nhóm 3: Áp dụng các nhóm giải pháp hành chính và kinh tế theo quy định của Thông tư 226.

  • Uyên Phạm thực hiện
    Uyên Phạm thực hiện

    Tin cùng chuyên mục