Quỹ ETF nội địa đầu tiên dần lộ diện

(ĐTCK) Ngoài CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) vừa hé lộ kế hoạch lập quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội địa đầu tiên tại Việt Nam, một số đơn vị khác cũng đang có ý định triển khai loại quỹ này. 
Nhiều CTCK, công ty quản lý quỹ và lãnh đạo DN tham dự Hội thảo do Báo Đầu tư Chứng khoán và PSI tổ chức ngày 25/3/2014, đã bày tỏ sự quan tâm đến loại hình đầu tư mới, ETFs  tại Việt Nam Nhiều CTCK, công ty quản lý quỹ và lãnh đạo DN tham dự Hội thảo do Báo Đầu tư Chứng khoán và PSI tổ chức ngày 25/3/2014, đã bày tỏ sự quan tâm đến loại hình đầu tư mới, ETFs tại Việt Nam

Lợi thế của ETF nội

Theo VFM, hồ sơ lập quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam dựa trên bộ chỉ số VN30 đã được VFM trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xem xét, phê duyệt. Nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến trong quý II/2014, VFM sẽ chào bán chứng chỉ quỹ ETF và niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE).

Trong khi TTCK Việt Nam có hai quỹ ETF ngoại là VNM do Van Eck Global quản lý và FTSE do Deutsche Bank AG quản lý, đang hoạt động khá ấn tượng, thì câu hỏi đặt ra là: với lợi thế sân nhà, sự ra đời của quỹ ETF nội địa tạo ra ưu thế cạnh tranh gì so với các sản phẩm ETF ngoại trong thu hút NĐT, huy động vốn?

Đại diện một công ty quản lý quỹ cho biết, không phải NĐT nước ngoài nào cũng có thể tham gia quỹ ETF ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam, bởi các quỹ này đặt ra những ràng buộc nhất định về hoạt động giao dịch, trong khi nhu cầu đầu tư qua quỹ ETF đang tăng. Kết quả khảo sát nhu cầu đầu tư của NĐT vào quỹ ETF Việt Nam cho thấy, khá nhiều NĐT, chủ yếu là NĐT tổ chức có nhu cầu đầu tư vào quỹ ETF nội, nhất là NĐT đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế này phần nào phản ánh phân khúc khách hàng của quỹ ETF ngoại và ETF nội không quá “đụng hàng”, cho thấy sự ra đời của quỹ ETF nội đã chín muồi.

Mặt khác, các quỹ ETF nước ngoài phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho NĐT nước ngoài là 49%, trong khi tham gia quỹ ETF nội, NĐT nước ngoài không phải chịu sự khống chế này. Điều này giúp quỹ ETF nội tạo ra sự hấp dẫn đáng kể so với quỹ ETF ngoại, không chỉ trong thời điểm hiện nay, khi quyết định nới room cho khối ngoại chưa được thông qua, mà ngay cả khi chính sách này được áp dụng, thì việc không khống chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với chứng chỉ quỹ ETF nội vẫn tạo được sức hấp dẫn đáng kể so với hình thức trực tiếp đầu tư vào cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Sau sự xuất hiện của hàng loạt quỹ mở có mô hình đầu tư vào đa tài sản: cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, đồng thời tính linh hoạt trong giao dịch không cao, thì sự xuất hiện của quỹ ETF nội sắp tới sẽ khắc phục được hạn chế này, đáp ứng được yêu cầu thuận tiện, dễ dàng trong giao dịch cho NĐT. Chứng chỉ quỹ ETF nội sẽ được niêm yết, giao dịch trên Sở GDCK như một loại cổ phiếu. Đầu tư qua quỹ ETF là hình thức đầu tư thụ động, nên chi phí thấp, hạn chế rủi ro.  Một yếu tố khác mang lại sức hấp dẫn cho quỹ ETF là tính minh bạch cao, bởi theo quy định, danh mục đầu tư của quỹ được công bố công khai trên thị trường, giá trị tài sản ròng (NAV) được công bố hàng ngày, các báo cáo khác của quỹ tự động được cập nhật tới NĐT…

Tuy nhiên, việc triển khai quỹ ETF nội cũng có những thách thức, bởi đây là sản phẩm mới tại Việt Nam, cơ chế hoạt động phức tạp, trong khi mức độ quan tâm của NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, để hệ thống hạ tầng sớm đi vào hoạt động, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty quản lý quỹ, CTCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), các sở GDCK và ngân hàng giám sát. Ngoài ra, tuy UBCK đã có kế hoạch xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK Việt Nam, trong đó bao gồm các cổ phiếu đại diện cho cả HOSE và HNX, nhưng cần có thời gian, nên trong thời gian đầu, có thể quỹ ETF nội sẽ gặp khó khăn trong phát triển các sản phẩm ETF có tính đại diện cho toàn thị trường.

Quỹ ETF nội được tiếp sức

Tính thanh khoản của quỹ ETF phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thanh khoản của TTCK. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, thanh khoản của TTCK luôn duy trì ở mức cao. Không ít phiên đạt giá trị giao dịch 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Do đó, tính thanh khoản của TTCK đang hỗ trợ cho sự ra đời của quỹ ETF nội.

Sự ra đời của ETF nội cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ phía các sở GDCK, cũng như VSD, với tư cách là đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng phục vụ cho toàn bộ hoạt động niêm yết, giao dịch, thanh toán bù trừ chứng chỉ quỹ ETF.

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực HOSE cho biết, đến thời điểm này, hoạt động chuẩn bị cho triển khai quỹ ETF đã được HOSE hoàn tất. Diễn biến này đảm bảo cho quỹ ETF nội địa ra đời và hoạt động theo quy định pháp lý, mà không gặp khó khăn về hệ thống hạ tầng liên quan.

Theo ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD, đến nay, hệ thống quy trình, quy chế, hạ tầng công nghệ phục vụ cho triển khai quỹ ETF được VSD khẩn trương hoàn tất những khâu cuối cùng. Tiến độ này đảm bảo cho nhu cầu triển khai quỹ ETF nội địa của các công ty quản lý quỹ ngay năm 2014.

Quỹ ETF nội địa đầu tiên dần lộ diện ảnh 1

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh Phó tổng giám đốc VFM

“Quỹ ETF nội địa có nhiều ưu thế”

Do quỹ ETF đầu tư vào một nhóm cổ phiếu đại diện cho một thị trường cụ thể, nên thay vì phải mất thời gian và chi phí cao để lựa chọn được một danh mục đầu tư đa dạng, NĐT chỉ cần mua chứng chỉ quỹ ETF. Đầu tư vào quỹ ETF là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro phi hệ thống…

Mặt khác, quỹ ETF có nhiều lợi thế so với quỹ mở, nên được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT. Theo đó, danh mục đầu tư của quỹ ETF được công khai, trong khi danh mục của quỹ mở lại bảo mật. NAV của quỹ ETF được cập nhật hàng ngày, iNAV tính liên tục trong thời gian giao dịch, trong khi quỹ mở báo cáo NAV định kỳ (thường theo tuần).

Quỹ ETF nội địa đầu tiên dần lộ diện ảnh 2

Bà Đào Thanh Hồng Phó trưởng phòng Huy động vốn, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư tài chính Dầu khí (PVFC Capital)

“Chuẩn bị lập Quỹ đầu tư tăng trưởng Dầu khí”

Hiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có 32 công ty thành viên được niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX, với vốn hóa thị trường khoảng 228.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị vốn hóa. Trong đó, nhiều cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Để tối đa hóa lợi nhuận cho NĐT thông qua đầu tư vào các cổ phiếu ngành dầu khí, PVFC Capital chuẩn bị thành lập quỹ mở - Quỹ đầu tư tăng trưởng Dầu khí (PVGF), đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng ngành dầu khí, trong đó tập trung vào các cổ phiếu nằm trong bộ chỉ số PVN-Index. Quỹ PVGF dành tối đa khoảng 95% NAV đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu khí. Ngoài ra, PVGF còn có thể đầu tư vào chứng khoán có lãi suất cố định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN.

Ngoài lợi thế chung của quỹ mở là tính thanh khoản cao, minh bạch và vốn đầu tư phù hợp với mọi nhà đầu tư (với 5 triệu đồng nhà đầu tư đã có thể tham gia mua chứng chỉ quỹ để đầu tư vào những cổ phiếu có giá trị lớn), Quỹ PVGF còn có thể mang đến lợi nhuận hấp dẫn hơn so với thị trường do lựa chọn chiến lược đầu tư chủ động, tập trung vào các cổ phiếu của ngành dầu khí là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao, hấp dẫn, có khả năng hồi phục nhanh hơn khi nền kinh tế khởi sắc sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục