Quỹ ETF gặp khó, không bất thường

(ĐTCK) “Do tính chất quá mới với thị trường và các NĐT, nên trong giai đoạn phát triển ban đầu, sự khó khăn của quỹ ETF nội địa là chuyện không bất thường…”, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) trao đổi với ĐTCK.
Ông Nguyễn Khắc Hải Ông Nguyễn Khắc Hải

VFMVN30 - quỹ ETF nội địa đầu tiên, sau khi niêm yết trên HOSE, thị giá chứng chỉ quỹ gần đây bị rơi xuống dưới mệnh giá, thanh khoản èo uột, khiến giới đầu tư nghi ngờ về tính hấp dẫn của quỹ ETF. Đây có phải là tác động bất lợi, khi SSIAM đang chào bán chứng chỉ quỹ ETF SSIAM HNX30 lần đầu ra công chúng (IPO), thưa ông?

Không chỉ tại Việt Nam, mà bất kể thị trường nào trên thế giới cũng vậy, khi một sản phẩm mới ra đời rất cần thời gian để chứng minh được sức hấp dẫn của nó. Cũng cần có thời gian để NĐT làm quen với cách thức giao dịch, cảm nhận được những mặt mạnh - yếu của quỹ ETF.

Điều này cũng không phải là ngoại lệ với quỹ ETF nội địa tại Việt Nam. Do đó, sự khó khăn trong giai đoạn phát triển ban đầu của quỹ ETF là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của nhiều thị trường trên thế giới, sự khó khăn này sẽ dần qua đi. Điều này được chứng minh qua số lượng các quỹ ETF, cũng như giá trị vốn mà các quỹ này huy động được trong những năm gần đây tăng rất mạnh.

Mong muốn của NĐT khi đầu tư vào quỹ ETF nội địa tại Việt Nam là khi chỉ số tham chiếu tăng, thì danh mục đầu tư cũng tăng, ngược lại thì giảm. ETF SSIAM HNX30 ra đời cũng là nhằm đạt mục tiêu này. Trong trường hợp thị trường, chỉ số tham chiếu tăng, mà giá chứng chỉ quỹ không tăng, thì chứng tỏ công ty quản lý quỹ quản lý không tốt. Do đó, sau khi ETF SSIAM HNX30 tiến hành IPO thành công và niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), chúng tôi sẽ nỗ lực để thị giá chứng chỉ quỹ diễn biến đồng điệu với chỉ số mô phỏng là HNX30.

Hiện quỹ ETF chủ yếu thu hút NĐT tổ chức là các CTCK tham gia giao dịch. Liệu sản phẩm này có thu hút được sự quan tâm của NĐT nhỏ lẻ, thưa ông?

Khi triển khai lập quỹ ETF đầu tiên mô phỏng chỉ số HNX30, chúng tôi kỳ vọng lớn vào sản phẩm này, bởi những lợi thế mà nó mang lại cho NĐT: có tính minh bạch cao, chi phí quản lý quỹ thấp, giúp NĐT giao dịch linh hoạt (cả giao dịch sơ cấp lẫn thứ cấp), đặc biệt quỹ ETF giúp NĐT phân tán rủi ro khi gián tiếp sở hữu các chứng khoán cơ cấu trong danh mục của quỹ.

Quỹ ETF là kênh đầu tư trung gian giữa 2 kênh truyền thống là đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định (tiết kiệm) và đầu tư vào cổ phiếu. Đầu tư vào kênh có thu nhập cố định, lợi suất mà NĐT nhận được thường thấp, không thực dương so với diễn biến lạm phát. Với kênh đầu tư vào cổ phiếu, nhiều NĐT không thắng được thị trường, nên tiềm ẩn rủi ro lớn. ETF là sản phẩm giúp NĐT cân bằng được lợi nhuận và rủi ro, nên sẽ thu hút NĐT, trong đó có NĐT nhỏ lẻ quan tâm nhiều hơn trong vài năm tới.

Ngoài những hấp dẫn nêu trên, với số vốn từ vài trăm nghìn đồng trở lên, NĐT nhỏ lẻ dễ dàng mua được chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp. Với những NĐT cá nhân có số vốn trên 1 tỷ đồng, thì họ có nhiều lựa chọn hơn, khi có thể đầu tư trực tiếp ở giai đoạn sơ cấp, bên cạnh hình thức đầu tư qua thị trường thứ cấp.

HIện NĐT cá nhân ít am hiểu về quỹ ETF, nên họ e ngại tham gia giao dịch, cũng như nghi ngại về tính minh bạch của quỹ. Tuy nhiên, với giá trị tài sản ròng của quỹ được cập nhật 15 giây/lần suốt trong phiên giao dịch, cùng với các chuẩn mực về công bố thông tin khác, NĐT dễ dàng nắm bắt được các thông tin về quỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư. 

Kết thúc giai đoạn IPO, ETF SSIAM HNX30 dự kiến huy động được bao nhiêu vốn, liệu có sự tham gia của NĐT nước ngoài, thưa ông?

Ngoài 4 thành viên lập quỹ (AP) được chốt trước thời điểm IPO, dự kiến trong giai đoạn IPO, ETF SSIAM HNX30 còn thu hút thêm một số NĐT lớn khác tham gia, nên triển vọng huy động vốn của Quỹ là khả quan. Tuy nhiên, con số cụ thể cần phải đợi sau khi kết thúc IPO. Trong chiến lược hoạt động của Quỹ ETF SSIAM HNX30, thì vốn điều lệ của Quỹ phải đạt khoảng 500 tỷ đồng, mới trang trải được các chi phí hoạt động, cũng như đạt hiệu quả hoạt động tốt.

Chúng tôi kỳ vọng trong giai đoạn IPO sẽ có sự tham gia của NĐT nước ngoài, nhưng không cao. Lý do là bởi tham gia vào giai đoạn sơ cấp, họ bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, nên với những cổ phiếu đã hết room, họ sẽ gặp khó trong mua đủ lượng cổ phiếu để góp vào quỹ. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng NĐT nước ngoài sẽ tích cực tham gia quỹ sau khi niêm yết, bởi họ sẽ dễ dàng giao dịch trên thị trường thứ cấp, không chịu sự giới hạn về tỷ lệ sở hữu chứng chỉ quỹ.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục