Cần xin ý kiến tất cả đại biểu Quốc hội
Tiếp thu ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đến nay, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (Dự thảo) đã được hoàn thiện thêm một bước. Nhưng vấn đề “hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần” vẫn chưa thể ngã ngũ.
Ngoài các trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương tự quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Dự thảo do Chính phủ trình Quốc hội nêu 2 phương án.
Theo phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm.
Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khác với quy định hiện hành, Dự thảo có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2 là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Theo phương án 2, người lao động được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, đa số cho rằng, phương án 1 có nhiều ưu điểm. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với phương án 2 với lý do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030, thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ phương án 1, song đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành.
Theo Thường trực cơ quan thẩm tra, đối với phương án 1 (phương án Chính phủ lựa chọn), cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chưa thực sự yên tâm, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị được lấy ý kiến tất cả đại biểu Quốc hội bằng phiếu nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, vì đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và đang “trở thành thói quen” mặc nhiên của khá nhiều người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.
Vẫn rất nhiều trăn trở
Vấn đề nào khó đều được xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách (theo lời Chủ tịch Quốc hội). Quy định về việc rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không là ngoại lệ, có điều xin xong vẫn thấy… rối.
Nhận xét cả 2 phương án đều chưa có độ chín, đều còn có những hạn chế, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần tiếp tục bàn sâu hơn về rút bảo hiểm xã hội một lần. “Đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến đối với 2 phương án nêu trên, đặc biệt là lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động. Dù lựa chọn phương án nào cũng đều phải dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động”, đại biểu Sửu nêu quan điểm.
Cân nhắc thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sau khi cải cách tiền lương
Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc thông qua Dự án luật này sau khi cải cách tiền lương, tức là ở Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024), thay vì thông qua tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới. Cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó và phức tạp, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực, nhóm lao động khác nhau trên toàn xã hội. Do đó, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh nếu có cho phù hợp với thực tiễn. Khi chính sách đang ổn định thì mới có cơ sở quy định các chính sách bảo hiểm xã hội mới, được sửa đổi theo cải cách tiền lương thì sẽ phù hợp hơn. Vì vậy, cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội cho phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua luật lại phải rà soát, sửa đổi ngay.
- Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)
Không đồng ý cả 2 phương án, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích, quy định ở phương án 1 là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định hưởng bảo hiểm một lần là “chưa thấu hiểu nhân dân, chưa thấu hiểu người đóng bảo hiểm; có những trường hợp nghèo khổ lắm, chỉ cần một vài triệu đồng đã quý, nên phải xem xét lại quy định này xem như thế nào”.
Còn phương án 2 cũng gây phản cảm cho người đóng bảo hiểm, vì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50%, thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, nhưng không biết bảo lưu đến bao lâu mới được hưởng. “Hưởng bảo hiểm xã hội một lần là điều trăn trở vô cùng và được thảo luận rất nhiều lần, nhưng tôi cho rằng, cả 2 phương án vẫn chưa thực sự thỏa đáng”, đại biểu Trí nhấn mạnh.
Nhìn từ quyền lợi người đóng bảo hiểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu trường hợp mà theo bà là khá phổ biến. Đó là người lao động đang làm việc bình thường và không nằm trong diện có thể rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng chẳng may họ bị đột tử, mà trong số những người đó, có nhiều người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội rất lâu, có nhiều người là trụ cột trong gia đình, khi rơi vào trường hợp đó, theo luật, họ chỉ được hưởng chế độ tử tuất.
Như vậy, theo nguyên tắc đóng hưởng, khi họ rơi vào trường hợp này, lại không được hưởng chế độ tương xứng. “Đây là vấn đề tôi rất trăn trở”, vị đại biểu Bình Định bày tỏ.
Không đồng tình với phương án 1, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, như thế sẽ tạo ra hai “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực. Theo đó, với khoảng 7 triệu lao động, chiếm trên 38% lao động theo số liệu báo cáo hiện nay có thời gian đóng dưới 20 năm, sẽ không lấy gì đảm bảo rằng, họ sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Còn người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ sau ngày 1/7/2025, lại không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, trừ những quy định tại Điều 60 của Dự thảo.
Phương án 2, theo nhận xét của bà Hoa Ry, là sát hơn với chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là “cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi, bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng bảo hiểm hưu trí và giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”. “Nhưng phương án 2 cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng hỗ trợ người lao động được vay vốn qua ngân hàng chính sách)”, vị đại biểu Bạc Liêu góp ý.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Vấn đề gì phải tiếp thu thì tiếp thu đầy đủ, vấn đề gì không tiếp thu phải giải trình thấu đáo.
Ông Mẫn cũng cho biết, Chủ tịch Quốc hội có chỉ đạo, sau khi cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, Chủ tịch Quốc hội sẽ trực tiếp nghe lại việc tiếp thu, giải trình 5 vấn đề, trong đó có vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Sau đó, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, để đảm bảo chất lượng.