Quy định báo cáo kiểm toán, chưa ban hành đã tụt hậu?

(ĐTCK) Theo tin từ Bộ Tài chính, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (trong đó có chuẩn mực về báo cáo kiểm toán), thay thế cho các chuẩn mực hiện hành đang trong quá trình rà soát lần cuối, trước khi được ban hành.
Quy định báo cáo kiểm toán, chưa ban hành đã tụt hậu?

Hệ thống chuẩn mực mới được đánh giá có nhiều điểm thay đổi quan trọng, đòi hỏi kiểm toán viên phải có trách nhiệm cao hơn đối với cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, dù chưa ra đời, các chuẩn mực này lại đang có “nguy cơ” tụt hậu so với chuẩn mực quốc tế. 

Chưa ban hành đã trễ

Báo cáo kiểm toán được coi là phương tiện trao đổi thông tin chính thức giữa kiểm toán viên và người sử dụng BCTC. Tuy nhiên, không phải khi nào, phương tiện này cũng chuyển tải đúng và đủ những thông tin mà người sử dụng BCTC mong chờ, nhất là với công chúng đầu tư vào DN có lợi ích công chúng. Thậm chí, trước nhiều vụ đổ vỡ của các công ty niêm yết như CTCP Dược Viễn Đông, CTCK SME, báo cáo kiểm toán của những năm trước đó vẫn xác định tính trung thực, hợp lý của BCTC, mà không hề có ý kiến lưu ý về những rủi ro tài chính của các doanh nghiệp này…

Quy định báo cáo kiểm toán, chưa ban hành đã tụt hậu? ảnh 1

Theo dự thảo chuẩn mực kiểm toán mới, mẫu báo cáo kiểm toán này đã có nhiều điểm thay đổi, khác biệt so với mẫu báo cáo kiểm toán theo quy định hiện hành. Chẳng hạn, báo cáo sẽ gồm hai phần: báo cáo kiểm toán về BCTC, báo cáo theo yêu cầu khác của pháp luật; kiểm toán viên phải đưa ra cơ sở rõ ràng cho ý kiến kiểm toán…

Trong khi chuẩn mực kiểm toán Việt Nam về báo cáo kiểm toán, với nhiều khác biệt như vậy còn chưa được ban hành, thì mới đây, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã công bố Dự án sửa đổi chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 700 – Báo cáo kiểm toán. Việc thay đổi nhằm mục tiêu tối thượng là “đáp ứng yêu cầu của người sử dụng về tính minh bạch của BCTC và cuộc kiểm toán, cũng như cung cấp những giá trị mà người sử dụng đang tìm kiếm. Theo kế hoạch, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế sửa đổi sẽ được ban hành vào tháng 6/2014.

Dự thảo chuẩn mực báo cáo kiểm toán quốc tế đưa ra mẫu báo cáo kiểm toán, với 3 điểm thay đổi cơ bản. Một là, bổ sung mục “Bình luận/nhận xét của kiểm toán viên” vào báo cáo kiểm toán, nhằm nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của kiểm toán viên đó là các vấn đề quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán, hoặc về cuộc kiểm toán. Đây  là yêu cầu bắt buộc đối với các báo cáo kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng. Hai là, kiểm toán viên phải đưa ra kết luận về giả định hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán; đồng thời, nêu rõ liệu kiểm toán có nhận thấy (hay không nhận thấy) bất kỳ yếu tố không chắc chắn trọng yếu nào liên quan đến giả định hoạt động liên tục hay không. Ba là, kiểm toán viên phải trình bày về bất kỳ điểm không nhất quán trọng yếu giữa BCTC được kiểm toán và các thông tin khác mà kiểm toán viên nhận thấy.

Điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam, khi mà chuẩn mực kiểm toán Việt Nam dự kiến được ban hành lại trong thời gian tới đã thể hiện “độ trễ” so với dự thảo chuẩn mực quốc tế.

 

Báo cáo kiểm toán: cần chi tiết hơn

Cùng với sự phát triển và biến động không ngừng của nền kinh tế, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế phức tạp, yêu cầu về lập và trình bày BCTC cũng ngày càng được đặt ra nhiều hơn, chi tiết hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời, người đọc BCTC và báo cáo kiểm toán cũng mong chờ những thông tin cụ thể và đầy đủ hơn về cuộc kiểm toán, muốn kiểm toán viên diễn giải và đưa ra ý kiến về nhiều khía cạnh trong thông tin tài chính của đơn vị, thay vì chỉ giới hạn xác nhận sự “trung thực và hợp lý” của BCTC được kiểm toán.

Giai đoạn 2001 – 2005, Bộ Tài chính liên tục ban hành các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam theo các đợt, nhưng từ đó đến nay là một “khoảng lặng” khá dài, khi không có thêm chuẩn mực kiểm toán nào được sửa đổi, cập nhật. Vẫn biết rằng, việc cập nhật các chuẩn mực kiểm toán quốc tế là một công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực, nhưng để nâng cao tính minh bạch của thông tin kinh tế- tài chính trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh quá trình này.

Giải pháp thích hợp nhất trong ngắn hạn là Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) có thể xem xét nghiên cứu ban hành các quy định về kiểm toán tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặt ra các quy định đặc thù và yêu cầu thông tin chi tiết hơn đối với báo cáo kiểm toán. Ví dụ, quy định báo cáo kiểm toán BCTC của các tổ chức nói trên phải có thêm đoạn nhấn mạnh các vấn đề mà theo xét đoán của KTV, đó là các vấn đề quan trọng nhất để giúp người sử dụng hiểu rõ về BCTC được kiểm toán và có nhận xét của kiểm toán viên về giả định hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán.

Không đáng ngại về “độ trễ” của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam

Đại diện Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính

 

Việc cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán quốc tế lâu nay được thực hiện theo nguyên tắc, xác định một mốc thời gian nhất định để cập nhật. Chẳng hạn, hệ thống chuẩn mực kiểm toán được ban hành đợt này, trong đó có chuẩn mực số 700 - Báo cáo kiểm toán xây dựng trên cơ sở các kiểm toán quốc tế có hiệu lực từ ngày 15/12/2009. Trong quá trình rà soát hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế để ban hành chuẩn mực mới, nếu có sự cập nhật mới của hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế, Ban soạn thảo cũng không cập nhật những thay đổi này. Bởi không thể chạy theo sự thay đổi của quốc tế, do chúng ta không có nguồn lực.

 

Bên cạnh đó, việc thay đổi của chuẩn mực kiểm toán quốc tế xuất phát từ sự thay đổi của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam , nhiều nghiệp vụ kinh tế đã có lịch sử rất lâu đời trên quốc tế vẫn chưa phát sinh. Do vậy, không ngại khả năng “tụt hậu” của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam so với quốc tế.

Trần Thanh Thảo, Phó trưởng văn phòng VACPA Hà Nội
Trần Thanh Thảo, Phó trưởng văn phòng VACPA Hà Nội

Tin cùng chuyên mục