Quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gỡ vướng giải quyết án tham nhũng

Thực tiễn đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám Quốc hội XV, sáng 30/10, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Theo Viện trưởng, thực tiễn đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án) để bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trong đó, đối với mỗi biện pháp, quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng, thời hạn áp dụng, ông Tiến cho biết.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ủy ban này tán thành ban hành nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo quy định phạm vi thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Về phạm vi các giai đoạn tố tụng được thí điểm, cơ quan thẩm tra tán thành với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, phạm vi thí điểm áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đã tuân thủ đầy đủ Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 53/2024/UBTVQH15 của UBTVQH, bảo đảm tính đồng bộ và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong các giai đoạn tố tụng.

Còn về phạm vi các vụ án, vụ việc được thí điểm, theo Ủy ban Tư pháp, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự. Trong đó có 4 biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa (gồm: xử lý vật chứng, tài sản là tiền; nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng). Có 1 nhóm biện pháp áp dụng có tính chất “khẩn cấp tạm thời” và có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay, cơ quan thẩm tra nêu.

Về các biện pháp cụ thể, Dự thảo quy định cơ chế cho phép người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm thi hành án để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Số tiền nộp bảo đảm không thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản.

Uỷ ban Tư pháp tán thành phương án trên và cho rằng, biện pháp này tạo khả năng sớm thu được khoản bồi thường thiệt hại, giảm thiểu việc phải đưa ra xử lý tài sản, tiết kiệm chi phí, đồng thời, bảo đảm quyền cho chủ sở hữu tài sản.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các đồng sở hữu mua lại vật chứng, tài sản.

Đáng chú ý, Cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong thời hạn không quá 2 tháng khi có căn cứ cho rằng người bị buộc tội hoặc cá nhân, tổ chức khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án.

Quy định này cũng được Ủy ban Thẩm tra tán thành.

Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thí điểm áp dụng từ ngày 1/1/ 2025 và được thực hiện không quá 3 năm, Uỷ ban Tư pháp tán thành quy định này, Chủ nhiệm Nga cho hay,

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục