Quỹ đầu tư ở đâu trên thị trường giá xuống?

(ĐTCK-online) Trong khi nhiều NĐT cá nhân có tâm trạng hoảng hốt khi chỉ số chứng khoán chạm sàn 2 phiên liên tiếp thì các quỹ đầu tư - những tổ chức đang quản lý hàng nghìn tỷ đồng, hàng tỷ USD đang ở đâu trên thị trường giá xuống? Trạng thái danh mục của các quỹ ra sao, xu hướng thị trường theo góc nhìn của quỹ như thế nào là những câu hỏi ĐTCK đặt ra với một số quỹ.
Quỹ đầu tư ở đâu trên thị trường giá xuống?

"Dòng vốn ra vào Việt Nam lúc này không chỉ được quyết định bởi tình hình Việt Nam, mà là tình hình toàn cầu" 

Quỹ đầu tư ở đâu trên thị trường giá xuống? ảnh 1

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital

Hiện nay, động thái mua - bán của các quỹ đầu tư nước ngoài không có ý nghĩa nhiều. Chúng ta nên nhìn rộng hơn. Gánh nặng bội chi ngân sách lớn chưa từng thấy ở Mỹ và châu Âu. Tổng cầu của toàn thế giới chưa phục hồi, nếu có chỉ là cầu ở khu vực công. Chính phủ các nước đều bơm tiền ra để kích cầu... Bơm tiền có thể sẽ không tốt với giá trị đồng tiền, nhưng tốt cho các thị trường tài sản, trong đó có thị trường cổ phiếu. Đó là lý do vì sao thị trường cổ phiếu các nước đều tăng điểm thời gian qua. Nhưng bơm tiền sẽ dẫn đến lạm phát, nên khi thị trường có dấu hiệu phục hồi thì lãi suất sẽ tăng để kiềm chế lạm phát. Khi lãi suất tăng để giảm tiền trong xã hội thì đương nhiên thị trường tài sản, trong đó có cổ phiếu, bị ảnh hưởng.

Ở Việt Nam, chúng tôi không biết chính xác tổng lượng tiền trong xã hội là bao nhiêu. Trong dân vẫn còn dự trữ một lượng lớn vàng, tiền mặt… Đây là ẩn số trong việc đánh giá tác động của sự thay đổi lượng tiền lưu thông tới TTCK.

Tôi vừa đi châu Âu, hỏi NĐT có quan tâm đến thị tường Việt Nam hay không thì câu trả lời là có. Kinh tế vĩ mô ở Việt Nam khá mạnh và hấp dẫn, nhưng vi mô lại không mấy thuyết phục. Cụ thể là đưa tiền vào Việt Nam khó, vì phải xin phép, xin cấp mã số. Khi có mã số lại vướng "room" (tỷ lệ đầu tư tối đa), những công ty tốt thì hết "room".

Mặt khác, dòng vốn ra vào Việt Nam lúc này không chỉ được quyết định bởi tình hình Việt Nam, mà là tình hình toàn cầu. Phải nhìn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Dù Việt Nam tốt, nhưng tình hình thế giới chưa tốt thì NĐT cũng không đổ tiền vào. Với quỹ của chúng tôi hiện nay, tiền mặt không nhiều và khả năng huy động vốn gặp khó khăn.

 

"Khi P/E trung bình của thị trường ở mức 15 lần thì không ít tổ chức sẽ đầu tư"

Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF)

Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF)

Phiên giao dịch ngày 3/11, tâm lý NĐT đã vững vàng hơn khi thực hiện lệnh mua bắt đáy khá nhiều. Việc mất điểm sâu (trên 20 điểm/phiên) sẽ không kéo dài, VN-Index khó xuống dưới ngưỡng 500 điểm.

Đây là đợt điều chỉnh cần thiết để thị trường tăng trưởng bền vững hơn. Theo tôi, trong tháng 11, thị trường sẽ khó tăng mạnh trở lại như trước đây từng tăng lên trên 600 điểm, bởi nhiều thông tin hỗ trợ từ nền kinh tế và doanh nghiệp đã được công bố. Mặt khác, việc hạn chế đòn bẩy tài chính ở các CTCK (động lực không nhỏ khiến thị trường tăng mạnh trong thời gian vừa qua) cũng kìm lực đi lên, nhưng tạo ra sự bền vững cho thị trường.

Là NĐT tổ chức, hiện SHF đang có tỷ trọng tiền/cổ phiếu là 70/30. Được biết, nhiều quỹ đầu tư cũng đang ưu tiên sở hữu tiền mặt để chờ cơ hội trên thị trường khi giá cổ phiếu ở mức hợp lý. Khi P/E trung bình của thị trường ở mức 15 lần thì không ít tổ chức sẽ đầu tư. Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tiềm năng, vì một số kênh đầu tư khác có dấu hiệu kém hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như bất động sản, nguồn cung cho năm 2011 sẽ dồi dào, trong khi tín dụng cho vay bất động sản bị siết lại.

 

"Thanh khoản thị trường đang trở về với đúng tiềm lực và chúng tôi thực hiện chiến lược mua vào thận trọng"

Ông Phan Đức Trung, Tổng giám đốc FPT Capital

Ông Phan Đức Trung, Tổng giám đốc FPT Capital

Thị trường hiện nay theo góc nhìn của chúng tôi không quá xấu. Mức điều chỉnh là hợp lý khi quy mô đòn bẩy tài chính bị thu hẹp lại. Hiện nay, với việc tín dụng chặt chẽ hơn khiến thanh khoản rơi về mức 3.000 tỷ đồng, theo chúng tôi là mức có thể chấp nhận được với quy mô như TTCK Việt Nam. Thị trường điều chỉnh xong, sẽ xác lập mức giá hợp lý với tiềm lực của NĐT và chính yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp niêm yết. Một vấn đề nữa cần chú ý là nhu cầu thanh khoản cuối năm của các ngân hàng thương mại cao, dẫn tới lãi suất cao, do đó cung ứng vốn cho TTCK bị hút trở lại.

Với các quỹ do FPT Capital quản lý cũng như đầu tư ủy thác, tỷ trọng đầu tư lớn nhất vẫn tập trung cho các khoản private equity. Trong thời điểm này, chúng tôi tập trung cho danh mục đem lại thu nhập ổn định. Với cổ phiếu trên sàn, ở mức giá hợp lý Quỹ vẫn thực hiện chiến lược mua vào thận trọng.

 

"Tín hiệu tích cực là nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao, trong khi các nước khác thì không được như vậy"

Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SAM

Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SAM

Tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu của quỹ chúng tôi quản lý không có sự thay đổi nhiều, trung bình 90% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Thực tế, hoạt động mua bán của Quỹ không dễ dàng lướt sóng, vì đối với một cổ phiếu trong danh mục, chúng tôi phải tuân thủ quyết định của Hội đồng đầu tư, mua vào ở một khoảng giá và bán ra ở một khoảng giá.

Chúng tôi có bán một số cổ phiếu khi đạt lợi nhuận, nhưng nhìn chung, hoạt động lướt sóng không nhiều, vì NĐT nước ngoài bị phụ thuộc vào "room". Phải tính xem bán đi có mua lại được không, chứ không liên quan đến tăng - giảm chung của thị trường.

Theo tôi biết, hiện cơ hội huy động vốn vào Việt Nam không dễ dàng, vì NĐT chưa yên tâm với tình hình kinh tế vĩ mô thế giới. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, trong khi các nước khác thì không được như vậy.

 

"Quan điểm chung của chúng tôi vẫn là lạc quan với triển vọng phát triển chung của nền kinh tế và lạc quan với cơ hội thị trường"

Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Hà Nội (HFM) - Thành viên MB Group

Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Hà Nội (HFM) - Thành viên MB Group

Tại Công ty Quản lý quỹ Hà Nội, đến cuối tháng 9, tổng tài sản mà chúng tôi quản lý đạt trên 8.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các công cụ tài chính có thu nhập cố định cũng như thị trường cổ phiếu niêm yết/OTC. Hiện tại, bức tranh vĩ mô đã lạc quan hơn, vì vậy chúng tôi tiếp tục quá trình giải ngân. Chúng tôi dự kiến sẽ giảm tỷ lệ tiền mặt xuống mức thấp dưới 10% cho các quỹ.

Quan điểm chung của chúng tôi là chọn lựa đầu tư vào cổ phiếu tốt, DN tốt, được định giá hợp lý. Hai ngày vừa qua, trong khi VN-Index có sự suy giảm mạnh, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chọn mua cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu trước đây chúng tôi không thể mua được khi thị trường hưng phấn.

Theo tôi, việc thị trường lên xuống là bình thường, bởi có rất nhiều yếu tố, cả trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như định hướng giải ngân của nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung là không phải mọi cổ phiếu đều tốt, nên điều quan trọng nhất trong đầu tư là phải lựa chọn đúng ngành và đúng loại cổ phiếu. Trên quan điểm của một quỹ đầu tư, chúng tôi hướng đến chiến lược đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn. Chúng tôi hạn chế và hầu như không tham gia các hoạt động giao dịch ngắn hạn.

Cùng với việc đầu tư lớn vào một số DN, chúng tôi cũng đã tham gia vào quản trị DN và có những hỗ trợ cần thiết về giải pháp  tài chính cho sự phát triển chung của DN.

Về việc huy động vốn, hiện HFM có sản phẩm quản lý danh mục đầu tư dành cho những cá nhân và tổ chức có nhiều tiền và nhiều tài sản, mà chưa có cách sử dụng hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định. Qua theo dõi dòng tiền gửi tại một số ngân hàng, chúng tôi thấy số lượng cá nhân có tài khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng là rất nhiều. Đấy là một trong những đối tượng khách hàng hiện tại và tiềm năng của Công ty.

Chúng tôi cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho việc huy động vốn để lập thêm quỹ mới. Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn của HFM hướng đến đối tượng có khả năng đầu tư vào những dự án mang tính trung, dài hạn, như hạ tầng, đường xá, cầu cảng, giáo dục, y tế… Đây là những dự án có tiềm năng rất lớn tại một nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Nhóm phóng viên thực hiện.
Nhóm phóng viên thực hiện.

Tin cùng chuyên mục