Quỹ đầu tư nước ngoài: Bổ sung chiến lược lướt sóng

(ĐTCK-online) Mặc dù tỷ trọng giao dịch của NĐT nước ngoài trung bình chỉ chiếm 7% tổng lượng giao dịch, nhưng động thái mua bán của họ luôn được NĐT trong nước chú ý. Bởi lẽ, giao dịch của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam chủ yếu là các quỹ đầu tư, được đánh giá là chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và ít khi bị thua lỗ. Một điểm đáng chú ý trong giao dịch của các quỹ này thời gian gần đây là hoạt động lướt sóng được bổ sung bên cạnh chiến lược đầu tư dài hạn, nhất là đối với các quỹ đã có thâm niên hoạt động.
Mỗi nhà đầu tư nước ngoài cũng có những chiến lược kinh doanh khác nhau. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài cũng có những chiến lược kinh doanh khác nhau.

Số lượng quỹ đầu tư nước ngoài tăng vọt

Trong những năm đầu khi TTCK Việt Nam mới mở, số lượng quỹ đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài có thể đếm trên đầu ngón tay. Các quỹ như Vietnam Dragon Fund, VinaCapital, Mekong Capital… khá quen thuộc với giới đầu tư. Với quy mô vài chục mã cổ phiếu niêm yết hồi đó, không cần số liệu mua bán của NĐT hiện trên bảng điện giao dịch, các NĐT trong nước cũng có thể đoán được họ đang mua bán những mã cổ phiếu nào, số lượng đặt lệnh khoảng bao nhiêu. Nhiều NĐT nội đã mua "đu theo" để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Năm 2007, khi TTCK Việt Nam phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu theo sự tăng điểm của các chỉ số trên cả hai sàn giao dịch, số lượng quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tăng lên rất nhanh, đạt trên 70 quỹ, với các tên tuổi như Sumitomo Musui VN, Fulleron VN Fund, Tong Yan VGN, Maxford Growth - VN Fcus, VN Resource, Credit Agrcole Fund…, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia. Một số quỹ mới được thành lập từ các công ty quản lý quỹ như Dragon Capital thêm 2 quỹ, VinaCapital thêm Vinaland, Jaccar thêm 3 quỹ...

Khi kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đi vào giai đoạn phục hồi, Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn cho rất nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài, hàng loạt quỹ đầu tư đã đón đầu sự phục hồi này và số lượng quỹ đầu tư tăng vọt về cả số lượng và vốn đầu tư. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính mới đây, tính đến tháng 11/2009, tại thị trường Việt Nam có 46 công ty quản lý quỹ, 382 quỹ đầu tư nước ngoài. So với năm 2007, tức là chỉ sau 2 năm, số lượng quỹ đầu tư nước ngoài đã tăng gấp 5 lần. Đây cũng là một lời giải cho việc vì sao lượng tiền luân chuyển trung bình tăng vọt trên TTCK Việt Nam trong hơn 1 năm trở lại đây.

 

Thực hiện chiến lược đầu tư ngắn hạn

Hiện nay, chưa biết chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài mới đầu tư vào Việt Nam như thế nào, nhưng đối với các quỹ đầu tư đã có thâm niên hoạt động lâu năm trên TTCK Việt Nam thì chiến lược đầu tư dài hạn và đầu tư theo giá trị của họ có một số thay đổi.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài có tên tuổi nhận định, với mức đỉnh và mức đáy của một xu thế chênh lệch quá lớn (VN-Index cuối năm 2007 đạt trên 1.000 điểm, đầu năm 2009 xuống gần sát mốc 200 điểm, hiện xấp xỉ 500 điểm) thì khó có một tổ chức đầu tư nào sử dụng hết vốn đầu tư của mình thực hiện chiến lược đầu tư một cách lâu dài.

Theo ông Khổng Văn Minh, Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư Jaccar thì đầu tư theo giá trị và lâu dài vẫn là chiến lược chính của các quỹ, nhưng để thích ứng với TTCK Việt Nam, các quỹ vẫn phải để một tỷ lệ vốn nhất định để đầu tư theo chiến lược ngắn hạn, tăng cơ hội đạt lợi nhuận cao. Cũng vì lẽ đó mà thị trường thường thấy sự mua ròng, bán ròng của các NĐT nước ngoài trong những đợt biến động của cả hai chỉ số.

Không ít NĐT thắc mắc, tại sao trong một phiên giao dịch thấy họ có cả mua, cả bán hay vừa thấy mua sao lại thấy bán? Nhiều phiên xuống thấy họ mua vào, khi thị trường lên thấy họ bán ra, không biết phương thức mua bán của họ thế nào? Thực tế, hoạt động giao dịch của các NĐT nước ngoài cũng như NĐT trong nước. Họ không phải là một tổ chức, mà có đến 382 tổ chức, chưa kể NĐT cá nhân. Họ có chiến lược đầu tư không giống nhau nên động thái mua bán cổ phiếu của họ cũng không giống nhau. Nhưng có một sự khác biệt khá lớn, đó là các quỹ đầu tư thường trường vốn, họ có thể mua bán theo một vùng nhất định, mua vào liên tục hoặc bán ra liên tục. Việc mua bán cổ phiếu theo phương thức này không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số của thị trường, nhưng có thể ảnh hưởng đến biến động giá của một vài cổ phiếu.

Giám đốc Công ty quản Quản lý quỹ SAM cho rằng, đầu tư theo giá trị nghĩa là không quan tâm thị trường tăng hay giảm, chỉ biết rằng, khi giá cổ phiếu nằm trong một vùng nào đó với một mức hợp lý là mua vào. Theo vị giám đốc này, vùng dao động hợp lý của VN-Index hiện nay trong khoảng 500 - 550 điểm.

Hồng Vân
Hồng Vân

Tin cùng chuyên mục