Quỹ đầu tư nội địa: Mở nhạt vì thiếu vốn

(ĐTCK-online) Sự mờ nhạt của các định chế tài chính trung gian nội, trong đó có các quỹ đầu tư nội địa chính là mức tích lũy mang tính trung và dại hạn của người dân còn thấp.
Mức tích lũy thấp là một trong các lý do ngăn cản sự phát triển của các quỹ đầu tư nội địa Mức tích lũy thấp là một trong các lý do ngăn cản sự phát triển của các quỹ đầu tư nội địa

TTCK Việt Nam đang thể hiện đúng bộ mặt của một thị trường cận biên khi ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân rời bỏ thị trường do họ không chịu nổi áp lực tâm lý.

Khi tất cả các chứng khoán được bán đại hạ giá mà không có nhiều người mua thì xuất hiện câu hỏi lớn về vai trò điều tiết thị trường của các định chế tài chính trung gian. Nếu như sự ngập ngừng của các tổ chức đầu tư nước ngoài có thể lý giải bởi sự hạn chế nguồn vốn huy động và rủi ro chính sách, thì lý do sâu xa nào khiến các định chế tài chính nội địa chỉ đóng vai trò mờ nhạt trên chính sân nhà?

 

Mức tích lũy thấp

Từ năm 2007, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (có nghĩa là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc). Với dân số lên đến trên 85 triệu người, cơ cấu dân số vàng tạo nên một thị trường lao động và tiêu thụ khá rộng lớn, là động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đây chính là nhân tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam .

Tuy nhiên, dân số trẻ cũng có mặt trái của nó. Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK, giải thích sự trồi sụt thất thường của TTCK Việt Nam, ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận xét, vốn từ các NĐT cá nhân chảy vào chứng khoán chỉ là dòng vốn siêu nóng, ngắn hạn, mang tính cơ hội. Theo ông Hải, điều này có lý do khách quan vì GDP Việt Nam còn thấp, thu nhập trên mỗi đầu người còn ở mức khiêm tốn, tầng lớp trung lưu khá mỏng, tiền tiết kiệm dài hạn trong dân cư không nhiều. Vì vậy, phần lớn NĐT cá nhân chỉ tham gia thị trường theo trào lưu lướt sóng.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Manchester Anh quốc nhận xét, trên bình diện quốc tế, Việt Nam là quốc gia có lợi thế cạnh tranh với trên 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động trẻ có thể tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế cao, nhưng có mặt trái là hạn chế về mức tích lũy của cải. Theo ông Tuấn, mức tích lũy, tiết kiệm thấp là một trong những lý do ngăn cản sự lớn mạnh của các định chế tài chính trung gian, trong đó có quỹ đầu tư nội địa.

 

Chính sách định hướng các dòng vốn

Trong kỳ họp ĐHCĐ hồi đầu năm nay, 3/5 quỹ đầu tư đại chúng (quỹ đóng) kỳ vọng sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang quỹ mở. Đây được xem là cơ may và cứu cánh duy nhất để các quỹ nội địa giải quyết khoảng cách chiết khấu - vấn đề gây nhức nhối hiện nay khiến nhiều NĐT không muốn góp vốn vào quỹ đại chúng. Một vài hội thảo, vài lần lấy ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường, cơ quan quản lý đã đề cập đến mốc tháng 7/2011, quy định mới có thể được ban hành. Nhưng hiện tại, mốc thời gian kỳ vọng đã trôi qua từ lâu và các quy định mới vẫn chìm nghỉm ở đâu đó. Một lần nữa, thị trường lại rút ra bài học trong việc “đánh đu” chính sách với cơ quan quản lý.

Ông Tuấn nhận xét, không chỉ có các chính sách trực tiếp, mà cả các chính sách gián tiếp mang tính định hướng với các dòng vốn nội địa thời gian qua cũng không thực sự hỗ trợ các định chế tài chính trung gian trong nước phát triển. Một trong các ví dụ ông Tuấn dẫn chứng là việc điều tiết tiền nhàn rỗi. Hiện tại, tài sản nhàn rỗi trong dân cư không thiếu (biểu hiện rất rõ qua các hoạt động đầu cơ vàng hay USD vừa qua), nhưng các định chế tài chính trung gian nội địa lại không thể thu hút được vốn nhàn rỗi để lớn mạnh, trở thành rường cột điều tiết thị trường.

Theo ông Tuấn, điều này có lý do riêng. Chẳng hạn, ở một số nước, khi người dân gửi tiết kiệm trên vài ngàn USD là bị áp thuế. Trong khi đó, họ được miễn giảm toàn bộ hoặc một phần nếu góp vốn vào các định chế tài chính trung gian quản lý tài sản. Vì vậy, ở các quốc gia này, tiền nhàn rỗi được điều tiết hợp lý chảy vào TTCK trở thành vốn trung hạn phục vụ tái sản xuất. Các quỹ hưu trí hay quỹ quản lý tiền tiết kiệm đóng vai trò trung gian thu hút và phân bổ nguồn vốn này. Đồng thời, họ cũng là rường cột, lực lượng điều tiết thị trường. Theo ông Tuấn, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện việc điều tiết tương tự này qua công cụ chính là thuế. Tuy nhiên, trách nhiệm bấy lâu nay vẫn bỏ ngỏ, do vượt quá thẩm quyền của UBCK, mà cũng chẳng thấy đâu ở các cấp cao hơn như Bộ Tài chính và Chính phủ.

Ngọc Giang
Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục