Nhiều diễn biến tích cực
Sau năm 2022 có nhiều biến động, các khó khăn của ngành quỹ dần được gỡ bỏ kể từ đầu năm 2023. Tính đến đầu tháng 11, nhiều quỹ mở ghi nhận hiệu quả kinh doanh cao so với bình quân thị trường. Các quỹ ghi nhận tăng trưởng trên 30% gồm có VinaCapital-VESAF, SSISCA, VCBF-MGF, DCDS, DCBC...
“Với những chuyển động tích cực của ngành quỹ, hy vọng trong năm 2024, ngành này sẽ vượt qua khó khăn để phát triển bứt phá”, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) nói.
Theo ông Thanh, VSDC đang cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 53 quỹ mở, tăng 12 quỹ so với cuối năm 2022, bao gồm 25 quỹ đầu tư cổ phiếu, 23 quỹ đầu tư trái phiếu và 5 quỹ đầu tư cân bằng. Bên cạnh đó, VSDC cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 14 quỹ ETF, tăng 3 quỹ so với cuối năm 2022, đồng thời cung cấp dịch vụ cho 3 quỹ đóng.
Với quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, VSDC cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản hưu trí cá nhân cho 7 quỹ của 4 công ty quản lý quỹ. Số lượng công ty quản lý quỹ thực hiện chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tăng từ 2 công ty trước đây là Dragon Capital và MBCapital lên 4 công ty, với 2 cái tên mới là SSIAM và VCBF. Tổng số tài khoản hưu trí cá nhân tăng từ con số 1.699 cuối năm 2022 lên 21.971 tính tới hết tháng 10/2023.
Số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam đang tăng, với 53 quỹ mở, 14 quỹ ETF, 3 quỹ đóng. Tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ hiện đạt 23,25 tỷ USD, chiếm 2,44% GDP.
Lãnh đạo VSDC cho biết, sang năm 2024, Tổng công ty sẽ tiếp tục mở rộng trọng tâm các dịch vụ dành cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, đây là mảng thị trường có thể có nhiều đột biến về số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ.
Ông Giang Trung Kiên, Phó tổng giám đốc MBCapital nhận định, với số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh trong vài năm gần đây, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở các ngân hàng duy trì ở mức cao, lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã về mức thấp kỷ lục, dòng tiền nhàn rỗi có thể được tối ưu hơn cho khách hàng bằng các sản phẩm tài chính mới như Money Market Fund…, ngành quỹ có cơ hội lớn để phát triển.
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Phí Tuấn Thành, Tổng giám đốc Techcom Capital cho biết, tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam hiện đạt 23,25 tỷ USD, chiếm 2,44% GDP. Tỷ lệ này được cải thiện so với trước đây, nhưng ở mức thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia đã chạm mức 30% GDP. Tính riêng các nhà đầu tư Việt Nam, mới chỉ có khoảng 1% nhà đầu tư chứng khoán có tài khoản chứng chỉ quỹ, với khoảng 1% giá trị tổng tài sản được đầu tư vào các quỹ. Đáng chú ý, trong hai hình thức phân phối chứng chỉ quỹ bao gồm tư vấn trực tiếp và kênh số hóa, có hơn 80% số lượng khách hàng đến từ kênh số, nhưng 80% tổng tài sản các quỹ đang quản lý lại đến từ kênh tư vấn truyền thống.
Thực trạng trên có một phần nguyên nhân là nhận thức của nhà đầu tư về đầu tư qua quỹ còn hạn chế, chưa hiểu rõ về quỹ đầu tư và lợi ích của quỹ nên chưa tham gia. Trong khi đó, các sản phẩm, dịch vụ đầu tư qua quỹ chưa phát triển hoặc chưa phù hợp với nhà đầu tư, nhất là qua kênh số.
“Tiềm năng của ngành quản lý quỹ ở Việt Nam còn rất lớn, nếu chúng ta áp dụng các công nghệ mới thì có thể rút ngắn thời gian và khai thác được đầy đủ những tiềm năng đó”, ông Thành nói và cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số sẽ giúp nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, phát triển các sản phẩm, dịch vụ đầu tư qua quỹ phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ.
Để triển khai các giải pháp này, theo ông Thành, vấn đề cải cách môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ số trong ngành quản lý quỹ cần được đẩy mạnh. Các công ty quản lý quỹ cần đầu tư và xây dựng đội ngũ nhân sự để triển khai các giải pháp công nghệ.
Ông Đoàn Duy, Giám đốc kinh doanh chuyển đổi số, Dragon Capital cho hay, tệp khách hàng của các công ty quản lý quỹ đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Khách hàng có xu hướng trở nên trẻ hơn, đa dạng hơn. Số lượng khách hàng “mới và trẻ” hiện chiếm đa số so với khách hàng “mới và trung tuổi”. Khách hàng không “ngồi tại chỗ” đợi sự tiếp cận của các tư vấn viên, mà tự mình tìm hiểu, so sánh các sản phẩm, từ đó có các yêu cầu cao. Họ muốn mọi thứ đều được thực hiện online như KYC online, đặt lệnh online, biên nhận online, chăm sóc online.
Ông Đoàn Duy nhấn mạnh, công nghệ đã làm thay đổi cái nhìn của tất cả các bên, không có giải pháp công nghệ nào hoàn toàn đúng, nhưng kiến trúc tốt khiến việc phát triển hoặc chuyển giao dễ dàng hơn và chuyển đổi số là hướng đi cần thiết với ngành quỹ.
Bà Trương Diệu Linh, Trưởng ban Định chế tài chính, Vietcombank cho rằng, ngành quỹ cần đa dạng hoá các sản phẩm đầu tư, bên cạnh các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán truyền thống là các loại hình quỹ khác như quỹ bất động sản, quỹ hỗn hợp, quỹ hưu trí, quỹ công nghệ, quỹ mạo hiểm, quỹ trái phiếu xanh, quỹ ESG… Đồng thời, tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và nhà đầu tư về bản chất hoạt động và lợi ích của việc đầu tư chứng chỉ quỹ, tránh tình trạng hiểu nhầm khi mua chứng chỉ quỹ, đặc biệt là quỹ trái phiếu.
Để đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho ngành quỹ, Vietcombank đề xuất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và VSDC tăng cường các biện pháp quản lý và giám sát thị trường, bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Các công ty quản lý quỹ đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quản lý và vận hành các quỹ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro.
Ông Nguyễn Sơn, Phụ trách Hội đồng thành viên VSDC |
Năm nay, ngành quỹ đã có bước phát triển tốt hơn, chuẩn bị cho đà tăng trưởng cho những năm tới. Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý tài sản đang là một xu hướng mới, xu thế toàn cầu để tạo ra những bước đột phá. VSDC cũng đang hướng tới chuyển đổi số, áp dụng ESG vào trong hoạt động ngành quỹ. Đặc biệt, hướng tới đầu tư có trách nhiệm trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất định.
Trên cơ sở gói thầu công nghệ mới, VSDC sẽ đưa ra các ứng dụng mới cho người dùng. Hệ thống mới đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và vận hành thị trường, góp phần phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và hướng tới các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Ông Lương Hải Sinh, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Thị trường giao dịch chứng chỉ quỹ đầu tư đã và đang mở rộng. Trong đó, VSDC giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, bảo mật dữ liệu sở hữu chứng khoán, đảm bảo xử lý thông suốt và liên tục hoạt động bù trừ và thanh toán cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, với tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán mới chiếm tỷ trọng 0,8% GDP, số lượng nhà đầu tư tham gia mới đạt 250.000, chiếm 0,25% dân số, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…, nên ngành quỹ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Ngành quỹ nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ sát cánh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý quỹ.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào 4 công việc chính. Thứ nhất, hoàn thiện cấu trúc thị trường với đầy đủ các sản phẩm đầu tư tài chính, đặc biệt là các sản phẩm đầu tư có tính bền vững và ổn định cao, trong đó khuyến khích đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới thay đổi toàn diện theo quy trình hoạt động mới tinh gọn, giúp tăng năng suất, giảm chi phí. Thứ ba, thực hiện định hướng phát triển nền tài chính xanh, thúc đẩy đầu tư vốn vào các sản phẩm xanh, có ích cho xã hội; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh theo tiêu chí ESG. Thứ tư, hoàn thiện tổng thể cơ sở hạ tầng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.