Hàng loạt thương vụ đầu tư được công bố
Sáng 8/2/2022, bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Quỹ Genesia Ventures Việt Nam thức dậy với tâm trạng vô cùng phấn khích, bởi nhiều sự kiện thật ý nghĩa trong sự nghiệp đầu tư vào start-up của mình cùng diễn ra trong ngày.
Đúng ngày này, Quỹ Genesia Ventures chính thức thông báo đã gọi được 90 triệu USD cho quỹ thứ 3, hướng đến mục tiêu gọi trọn vẹn 130 triệu USD đến mùa hè tới. Đây cũng là ngày Genesia Ventures cùng với một số quỹ khác (CyberAgent Capital, Do Ventures, JAFCO Asia và Kvision) đầu tư 2,6 triệu USD vào Selly - start-up hoạt động theo mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng. Đặc biệt, đây là ngày mà bà Dung chia sẻ về lý do nhóm các quỹ đầu tư rót vốn vào Selly, đó là “đúng thời điểm” - “đúng sản phẩm” và “đúng người”.
Tuần làm việc đầu tiên ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày, thị trường khởi nghiệp Việt Nam liên tục đón nhận thương vụ mới được công bố. Ngoài Selly, nền tảng Infina cũng gọi vốn thành công 6 triệu USD tại vòng hạt giống từ 6 nhà đầu tư trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư bao gồm: Chương trình Surge của Sequoia Ấn Độ, Vườn ươm Y Combinator, Quỹ đầu tư mạo hiểm Saison Capital, Starling Ventures, Alpha JWC và AppWorks. Một số nhà đầu tư khác tham gia vào vòng tài trợ vốn này từng đầu tư vào các start-up và mô hình công nghệ tài chính (fintech) tương tự tại nhiều thị trường khác.
Infina thu hút nhà đầu tư bởi nhu cầu về làn sóng mới của ứng dụng đầu tư cá nhân đang tăng cao, không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn cầu.
Ngoài ra, Rino (start-up giao hàng) đã huy động được 3 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư được dẫn dắt bởi Global Founders Capital, Sequoia Capital India, Venturra Discovery và Saison Capital.
Thương vụ này gây ngạc nhiên bởi Rino mới thành lập tháng 1/2022. Được sáng lập bởi Nguyễn Thành Trung - một nhà khởi nghiệp kỳ cựu tại Việt Nam, từng là COO (Giám đốc vận hành) tại Baemin và Giám đốc bộ phận xe moto của Grab tại Việt Nam, nên hậu gọi vốn, Rino cũng có kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng trên khắp các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, cộng đồng khởi nghiệp cũng đang rất chờ đợi sự kiện ThinkZone Ventures công bố ThinkZone Fund II - quỹ đầu tư khởi nghiệp có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam vào cuối tháng này.
Tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, với 4 kỳ lân (VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis) và 11 start-up có giá trị trên 100 triệu USD (Tiki, Topica Edtech...).Thực tế, hoạt động đầu tư đang dần hồi phục. Nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á sẽ xuất hiện vào cuối thập kỷ này. Số lượng công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hàng năm trong khu vực dự kiến sẽ vượt qua con số 300.
Ông Bùi Thành Đô, đối tác sáng lập, Giám đốc điều hành ThinkZone Ventures tiết lộ, ThinkZone Fund II đã bắt đầu huy động vốn từ 1 năm trước. Đây là kế hoạch được ấp ủ từ khi thành lập. Dù gặp vô vàn khó khăn vì trong gần 3 năm hoạt động, phần lớn thời gian chịu ảnh hưởng bởi “Covid-19”, nhưng ThinkZone Fund II sẽ quy tụ những nguồn lực nội địa lớn để hỗ trợ cộng đồng start-up phát triển tại thị trường Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng định giá các start-up do ThinkZone Ventures đã đầu tư lên tới trên 110 triệu USD. Tuy nhiên, việc định giá này không quan trọng bằng những tác động tích cực mà các mô hình start-up này tạo ảnh hưởng tới xã hội. Đó là yếu tố then chốt mà các tập đoàn tại Việt Nam quyết định bắt tay nhau để cùng đầu tư vào Quỹ ThinkZone Fund II, thúc đẩy các giá trị đó lớn mạnh, tạo đột phá hơn nữa.
Động thái của ThinkZone Ventures cho thấy, các quỹ đầu tư nội đang tận dụng cơ hội từ đại dịch Covid-19 để tham gia sâu vào thị trường đầu tư mạo hiểm.
Thị trường đang lên
Báo cáo về thị trường khởi nghiệp, dòng vốn đầu tư năm 2021 của Quỹ đầu tư Nextrans nhận định, Việt Nam là điểm đến ưa thích của 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó, có gần 40 quỹ đầu tư trong nước. Các tên tuổi lớn và quỹ đang hoạt động trên thị trường bao gồm VSV Capital - Nextrans, Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Start-up Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Do Ventures và Genesia Ventures.
Năm 2021, khi các quỹ đầu tư và start-up ngày càng thích nghi với quy trình làm việc trực tuyến, hàng loạt “thương vụ” đã được chốt ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2021, các thương vụ gọi vốn thành công liên tiếp được công bố, trong đó, phần lớn vẫn là các vòng tiền hạt giống (Pre-seed), vòng hạt giống (Seed), Pre-series A và Series A với số vốn đầu tư dao động từ 500.000 USD đến 3 triệu USD. Các thương vụ chủ yếu thuộc lĩnh vực fintech, edtech (công nghệ giáo dục) và thương mại điện tử.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng chứng kiến 4,1% tổng các thương vụ thuộc Series C, D, E. Điển hình, Momo huy động thành công 200 triệu USD từ Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital, Kora Management; VNLife (công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay) huy động hơn 250 triệu USD trong vòng Series B; Tiki có vòng tài trợ Series E trị giá 258 triệu USD do AIA dẫn đầu. Ngoài ra, còn khá nhiều thương vụ lớn khác gây ấn tượng mạnh trên thị trường, như Sky Mavis (152 triệu USD), Equest (100 triệu USD)…
Giới đầu tư có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng, các thương vụ gọi vốn có giá trị hàng trăm triệu USD sẽ tăng cao hơn. Điều này càng khẳng định tiềm năng bùng nổ của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm tới.
Ông Giang Trần Minh Thành, đại diện Quỹ đầu tư KVision của Thái Lan tại Việt Nam cho hay, thời điểm này, Quỹ đang có nhiều cơ hội và đang xem xét rất nhiều thương vụ để đầu tư. Với kinh nghiệm đầu tư và xây dựng các start-up “kỳ lân” tại khu vực châu Á (như Lines, Grab, Jita, Pawoon), ông Thành tự tin, KVision sẽ giúp hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam có thêm nhiều “kỳ lân” hơn nữa.
Tiềm năng phát triển của các start-up, sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô và định giá hấp dẫn giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư. Do đó, không khó hiểu khi có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang gia nhập thị trường.
Dù trong giai đoạn này, việc kêu gọi thành công các vòng đầu tư lớn đang là một thách thức, nhưng ông Thành cho rằng, sự thành công của Momo và Axie Infinity trong năm 2021 đã khiến các quỹ đầu tư quy mô lớn chú ý đến thị trường Việt Nam nhiều hơn...
Trên thực tế, thị trường vẫn đang được dẫn dắt bởi các quỹ ngoại, vì các quỹ nội hiện chưa mạnh về nguồn lực, công nghệ. Ông Bùi Thành Đô phân tích, các quỹ ngoại và quỹ nội đều có những thế mạnh và hạn chế khác nhau. Quỹ nội (theo định nghĩa là thành lập tại Việt Nam, với sự đóng góp từ các nhà đầu tư trong nước) hiện chưa có nhiều và chưa có quy mô lớn; số lượng quỹ nội được quản lý và dẫn dắt bởi đội ngũ đã từng làm và am hiểu về khởi nghiệp công nghệ còn hạn chế.
“Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội với các quỹ nội để tạo được niềm tin nếu muốn huy động nguồn lực trong nước với quy mô lớn”, ông Bùi Thành Đô nhấn mạnh.
Đến nay, lượng vốn đầu tư vào các start-up công nghệ tại Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ nước ngoài. Nếu có sự kết hợp giữa các quỹ nội đủ tầm và các quỹ ngoại để cùng cùng đầu tư vào các start-up, chắc chắn sẽ tạo nên những câu chuyện hết sức thú vị trong thời gian tới.
Câu chuyện đáng nói ở đây là, khá nhiều start-up tiềm năng của Việt Nam đang đặt trụ sở ở nước ngoài (như tại Singapore) để dễ huy động vốn và các nhà đầu tư cũng dễ thoái vốn để tránh rủi ro. Muốn các start-up tự tin đặt trụ sở tại Việt Nam hơn, cần cải thiện thêm các cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực khởi nghiệp, như thủ tục thông thoáng, hỗ trợ thuế cho start-up...
Bên cạnh đó, theo đại diện ThinkZone Ventures, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các quỹ đầu tư nội địa cũng như áp dụng cơ chế sandbox để quản lý các start-up
Vấn đề huy động vốn cho khởi nghiệp đã được giới chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, có đề xuất phải ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề mà các quỹ đầu tư gặp phải hiện nay không chỉ dừng lại ở mặt pháp lý của quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các thủ tục hành chính, mà còn ở cơ chế về thuế khi thoái vốn.