Quỹ đầu tư chịu áp lực thua lỗ

(ĐTCK) TTCK Việt Nam vừa trải qua những phiên giao dịch sóng gió khi VN-Index lao dốc trong 3 ngày giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý. Thực tế này phản ánh ngay vào kết quả hoạt động của nhiều quỹ đầu tư. Quan ngại đáng chú ý là dòng vốn đầu tư có dấu hiệu rút ra khỏi quỹ khi đà bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tính đến hết phiên 7/2/2020, khối ngoại đã bán ròng 4 phiên liên tiếp trên sàn HOSE, 7 phiên liên tiếp trên sàn HNX.

Ðặc biệt, phiên có xu hướng hồi phục tốt là 6/2, khối ngoại vẫn bán ròng trên cả 3 sàn với tổng khối lượng bán ròng 3,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 213 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, kết thúc phiên 7/2, khối ngoại bán ròng hơn 120 tỷ đồng, tập trung bán các mã bluechips, đánh dấu phiên thứ 4 bán ròng liên tiếp, tổng giá trị hơn 670 tỷ đồng.

Cuối tháng 1/2020, VN-Index ở mức 936,62 điểm, giảm 2,54% so với cuối tháng 12/2019. Quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với tỷ suất lợi nhuận đầu tư âm 3,9%. Sau 2 phiên bán tháo mạnh đầu tháng 2/2020, tỷ suất lợi nhuận của VEIL âm hơn 6%.

Danh mục các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đa phần tập trung ở những cổ phiếu lớn, đây cũng là những cổ phiếu giảm mạnh trong cơn bão Corona và là nguyên nhân chính cho kết quả thiếu tích cực của các quỹ đầu tư.

Một quỹ đầu tư khác là JPMorgan Vietnam cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực khi danh mục đầu tư gồm các mã VNM, SAB, MSN, VJC… đều giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 2.

Trong TOP 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ này tính đến cuối tháng 12/2019, các cổ phiếu trên đều có tỷ trọng nắm giữ trên 5% giá trị tài sản ròng của quỹ, cùng với đó, mã MWG chiếm 3% giá trị tài sản ròng.

Trưởng phòng môi giới một CTCK lớn chia sẻ, một số cổ phiếu đã hồi phục so với những phiên giảm sâu đầu tháng 2 như VJC, nhưng tác động từ Corona lên kết quả kinh doanh của nhiều DN vẫn bi quan, trước hết cần dự phòng cho quý I không tích cực.

Tỷ suất lợi nhuận đầu tư của Quỹ VOF do VinaCapital quản lý có kết quả âm 5,36% trong tháng 1/2020, thấp hơn mức lỗ 4,71% vào tháng 5/2018 sau khi TTCK Việt Nam lao dốc từ vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm (tháng 4/2018).

VEIL, VOF, JPMorgan Vietnam là những quỹ đầu tư được quản lý bởi những tổ chức chuyên nghiệp và có thời gian hiện diện ở Việt Nam dài nhất.

Kết quả của các quỹ phần nào phản ánh bức tranh kém tươi sáng đầu năm 2020 của ngành.

Ðiểm tích cực hiếm hoi được ghi nhận ở Quỹ PYN. Sau khi bán MWG, Quỹ đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu CTG trong danh mục - cổ phiếu lội ngược dòng với sắc xanh trong các phiên bán tháo vừa qua. Ngoài CTG, cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của PYN cũng chiếm tỷ trọng lớn như TPB, HDB…

Tìm kiếm cơ hội đầu tư luôn là công việc hàng ngày của các quỹ, nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận, tăng trưởng giá trị tài sản ròng, đó cũng là chìa khóa để ngăn ngừa rủi ro rút vốn từ các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các quỹ đầu tư sẽ chịu áp lực rút vốn khi hiệu suất đầu tư không đủ sức thuyết phục dòng tiền ở lại.

Dù vậy, trong chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, ông Trần Huy Ðăng, Giám đốc vùng Khối môi giới CTCK Mirae Asset Việt Nam nhận định, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ tạm rút khỏi quỹ rồi lại tiếp tục đầu tư tại Việt Nam chứ không phải rút hẳn để tìm điểm đến mới hấp dẫn hơn.

Lý do được chuyên gia Mirae Asset Việt Nam giải thích là tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn cốt lõi. GDP năm 2019 tăng trưởng 7,02%, mức tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực ASEAN.

Thu hút dòng vốn nước ngoài vẫn ổn định, riêng về dòng vốn đầu tư gián tiếp, khối ngoại vẫn mua ròng 3 năm liên tiếp.

Ðặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá ổn định cùng với những cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại đã ký kết, là những yếu tố để kỳ vọng TTCK sẽ có thêm nhiều quỹ ETF mới, tăng sức thu hút vốn ngoại.

Tô Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục