Quỹ đầu tư bluechip vượt quỹ midcap

(ĐTCK) Sau khi thua kém các quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu vốn hóa trung bình trong năm 2013, các quỹ vốn hóa lớn đã vượt lên ngoạn mục trong tháng 1 vừa qua nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền đầu tư nước ngoài vào các cổ phiếu còn “room”.
Có rủi ro ẩn chứa trong sự hưng phấn hiện tại của khối nhà đầu tư ngoại Có rủi ro ẩn chứa trong sự hưng phấn hiện tại của khối nhà đầu tư ngoại
Hai quỹ tập trung vào cổ phiếu blue-chip của Dragon Capital, gồm Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund (VGF) lần lượt báo cáo tăng 9,8% và 10,3% giá trị tài sản ròng (NAV) trong tháng 1/2014.

Hai quỹ của PXP Asset Management gồm PXP Vietnam Fund và Vietnam Emerging Equity Fund lần lượt tăng 10,15% và 9,3% NAV trong cùng thời gian. Cả hai quỹ ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, REE, STB, HPG, HCM, FPT, PVD, MBB.

Các mức tăng NAV nêu trên, dù thấp hơn mức tăng 10,5% của VN-Index trong cùng thời gian, nhưng cao hơn nhiều mức tăng của các quỹ có chiến lược tập trung vào cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid-cap) giá thấp. Cụ thể, Hong Leong Vietnam Fund (HLGVF) của Công ty Vietnam Asset Management (VAM) chỉ tăng 2,08% NAV trong tháng 1/2014, thấp hơn nhiều mức tăng 10,3% tính theo đồng RM (Malaysia) của VN-Index trong cùng kỳ. Hai quỹ còn lại của VAM cũng có mức tăng NAV thấp: Hong Leong Vietnam Strategic Fund (HVSF) tăng 1,92%, Vietnam Emerging Market Fund (VEMF) tăng 7,5%.

Đối với Vietnam Holding (VNH), quỹ đầu tư “quán quân” năm 2013 với mức tăng NAV gần 40%, cũng đã lùi lại với kết quả tăng 8,7% trong tháng 1/2014.

Trong tháng đầu tiên của năm nay, thị trường được dẫn dắt bởi dòng tiền đầu tư mạnh từ khối ngoại, đặc biệt tập trung vào các cổ phiếu blue-chip vẫn còn “room” như GAS, PVD hay HPG. Lượng tiền khối ngoại mua ròng trong tháng 1 lên tới hơn 1.700 tỷ đồng trên hai sàn và mua ròng xấp xỉ 1.500 tỷ đồng trong 3 tuần đầu tháng 2.

“VNH tăng NAV 8,7% trong tháng 1 chủ yếu do dòng tiền đến từ NĐT nước ngoài với sự quan tâm mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đó, VNH tập trung vào cổ phiếu vốn hóa trung bình”, VNH lý giải về kết quả tăng thấp hơn VN-Index.

Bất chấp kết quả tăng thấp, các quỹ đầu tư vốn hóa trung bình tiếp tục lạc quan với chiến lược của mình. “Chúng tôi duy trì phong cách đầu tư giá trị và trong không khí sôi nổi hiện tại của thị trường, phong cách đó đồng nghĩa với việc tìm ra những yếu tố vẫn đang đi chậm”, VAM viết trong báo cáo tháng 1. “Thú vị là chúng tôi vẫn tìm được một nhóm cổ phiếu chất lượng tốt, giá tương đối rẻ”.

Tính đến cuối tháng 1, VNH kiên trì với việc ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa trung bình, gồm DHG, TRA, BMP và Bảo vệ thực vật An Giang, bên cạnh một số blue-chip như VNM, HPG.

Một vài quỹ đầu tư cảnh báo về những rủi ro ẩn chứa trong sự hưng phấn hiện tại của khối nhà đầu tư ngoại. PXP Asset Management lưu ý trong báo cáo của mình về việc nới “room”: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức về việc nâng trần sở hữu nước ngoài. Những diễn biến gần đây nhất về vấn đề này cho thấy, sự chậm trễ nhiều hơn so với dự đoán có thể chuyển sang trạng thái cân nhắc và có thể trở thành trì hoãn”.

Tuy nhiên, tâm trạng chung của các quỹ đầu tư ngoại vẫn là lạc quan, dựa trên một loạt yếu tố vĩ mô tốt được đưa ra gần đây. PMI của Việt Nam đã được HSBC báo cáo đạt 52,1 điểm trong tháng 1/2014, mức cao nhất của chỉ số này trong 33 tháng và đây là tháng thứ 5 liên tiếp, chỉ số này đạt trên mức 50 điểm.

“Các thành viên thị trường dường như đều kỳ vọng chứng khoán đi lên và tâm lý đang rất tốt. Mặc dù những yếu tố cơ bản tốt cần thời gian để được thị trường hấp thụ, nhưng mọi người có vẻ đang tin tưởng hơn vào xu hướng hồi phục của thị trường”, VAM nhận xét.

Ngay cả Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) của VinaCapital, sau khi chỉ tăng vỏn vẹn 0,5% NAV trong tháng 1/2014, vẫn tỏ ra lạc quan với thị trường chung. “Chúng tôi tin rằng, NĐT cuối cùng cũng đã nhận ra nền kinh tế Việt Nam đang ổn định và giá trị của các công ty tăng trưởng tại đây vẫn hấp dẫn so với các thị trường mới nổi và cận biên khác”, VOF viết trong báo cáo tháng 1.

Quỹ đầu tư có quy mô lên tới 766 triệu USD này - lớn nhất trong các quỹ cổ phiếu nước ngoài đầu tư vào Việt Nam - sẽ có cuộc họp với cổ đông tại hội thảo tổ chức ở London vào ngày 26 - 27/2/2014 tới.

Tương tự VOF, một quỹ ngoại lớn khác là DWS Vietnam Fund có quy mô hơn 300 triệu USD chỉ tăng khiêm tốn 4,5% NAV. Ưu tiên nắm giữ lớn nhất của Quỹ là CTCP GreenFeed Việt Nam sản xuất thức ăn chăn nuôi, với tỷ trọng hơn 12%. Bên cạnh đó là VNM, Bảo vệ thực vật An Giang, HPG và FPT.

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ