Quý đầu năm 2018, Viettel Global tăng 42% lợi nhuận gộp

(ĐTCK) Ngoài việc có lợi nhuận gộp tăng 42%, điểm sáng tiếp theo của Viettel Global là dòng tiền thuần đã dương ngay trong quý I/2018.
Tại Myanamr, Mytel vượt mốc 1 triệu thuê bao chỉ sau 10 ngày chính thức khai trương – tốc độ phát triển nhanh nhất trong 10 thị trường quốc tế của Viettel

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cho biết, Công ty có lãi 13,9 tỷ đồng trước thuế, thay vì lỗ 139 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.

Sự cải thiện trong quý đầu năm 2018 đến từ mức tăng trưởng tới 42% của lợi nhuận gộp, mặc dù doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettel Global giảm nhẹ xuống 3.942 tỷ đồng. Chỉ riêng trong quý I/2018, Công ty đạt 904 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đồng thời doanh thu tài chính cũng tăng rất mạnh từ 139,5 tỷ đồng lên 550 tỷ đồng.

Các khoản này đủ để bù đắp tất cả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cho Viettel Global, giúp công ty ghi nhận hơn 32 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Dòng tiền trong quý I/2018 cũng là điểm sáng của Viettel Global khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là 685 tỷ đồng - tăng rất mạnh so với con số gần 5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Dòng tiền này đủ để bù đắp cho các khoản chi đầu tư.  Theo đó, quý I/2018, Viettel Global có dòng tiền thuần dương gần 40 tỷ đồng.

Hiện tại, vốn điều lệ của Viettel Global là 22.438 tỷ đồng, nhưng Đại hội cổ đông thường niên 2018 vừa thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 30.438 tỷ đồng bằng cách phát hành riêng lẻ 800 triệu cổ phần phổ thông với giá 10.000 đồng/cổ phần (trị giá 8.000 tỷ đồng) cho công ty mẹ (Tập đoàn Viettel).

Toàn bộ số vốn này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động phù hợp với nhu cầu đầu tư cho các dự án của Viettel Global đến năm 2020. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Viettel Global đang đầu tư tại 9 thị trường nước ngoài. Trong đó 7/9 thị trường đã có lãi (Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi, Haiti, Cameroon), 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, đã thu về gấp 4-5 lần giá trị vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor).

2 thị trường là Myanmar (hoạt động chưa được 1 tháng) và Tanzania (2 năm) chưa có lãi do mới đi vào kinh doanh dưới 3 năm. Riêng với Myanmar, chỉ sau 10 ngày khai trương, mạng di động Mytel đã vượt mốc 1 triệu thuê bao – tốc độ phát triển chưa từng có của Viettel tại tất cả các thị trường quốc tế trên thế giới (gồm cả Việt Nam).

Ngoài ra, Peru - thị trường do Viettel Global vận hành và kinh doanh nhưng chưa tính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Viettel Global (do yêu cầu của Chính phủ Peru, công ty đầu tư vào thị trường này phải là Tập đoàn Viettel) cũng đã kinh doanh có lãi. Năm 2017, Peru là thị trường quốc tế có lợi nhuận cao nhất của Tập đoàn Viettel.

Viettel Global dự kiến đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 7/2018.

Nguyễn Tuấn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục