Cụ thể, Quỹ Bông Sen bán ra 1,5 triệu cổ phiếu MPT ở mức 1.530 đồng/cổ phiếu trong khi mua vào tháng 7 năm ngoái là 2.500 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu MPT liên tục giảm trong một năm qua, đến nay đã mất khoảng 80% giá trị so với giá 5.600 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2018. Trong khi đó, ông Bùi Việt Quân vừa trở thành cổ đông lớn sau khi mua vào 750.000 cổ phiếu.
Nếu so với giá trị sổ sách 11.000 đồng/cổ phần thì MPT đang giao dịch ở mức rất thấp. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh của MPT có thể hiểu vì sao giá cổ phiếu lại giảm mạnh như vậy.
Theo đó, trong năm 2019, doanh thu thuần của MPT đạt 163,5 tỷ đồng, tăng đến 41% so với năm trước, nhưng vì tốc độ gia tăng của giá vốn nhanh hơn, cộng với việc doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh hơn 90% nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 2,4 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 lợi nhuận 2018 - là năm MPT lãi đột biến, nhưng nếu so với năm 2017 thì lợi nhuận cũng giảm hơn 50% (năm 2017 lãi hơn 4 tỷ đồng).
Xét trên bảng cân đối kế toán, MPT có cơ cấu tài sản không được tốt. Cụ thể, tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 là 223 tỷ đồng nhưng khoản phải thu và hàng tồn kho đã đạt tới hơn 175 tỷ đồng, chiếm tới 78% tổng tài sản.
Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng cho thấy khó khăn của MPT khi âm hơn 31,6 tỷ đồng, cùng với đó, áp lực trả nợ tương đối lớn khi lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính âm hơn 22 tỷ đồng, chủ yếu do tiền thu được khi đi vay lớn thấp hơn khá nhiều so với tiền trả nợ gốc.
Phiên giao dịch sáng hôm nay 6/3, cổ phiếu MPT phục hồi mạnh khi tăng kịch trần +6,7% lên 1.600 đồng.