Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, công ty chứng khoán sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi“?

(ĐTCK) Khó khả thi, không giúp khắc phục được đáng kể những thiệt hại mà NĐT đối mặt khi tham gia TTCK. 
NĐT sẽ không được bồi thường thiệt hại trong trường hợp CTCK lâm vào tình trạng phá sản
NĐT sẽ không được bồi thường thiệt hại trong trường hợp CTCK lâm vào tình trạng phá sản

Theo ý kiến của NĐT, đây là hai bất ổn của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính.

Tình trạng “4 trong 1”

Tính khó khả thi của dự thảo, theo nhìn nhận của giới đầu tư là do tình trạng “4 trong 1”. Đó là CTCK vừa là chủ thể lập và quản lý Quỹ, quyết định mức trích nộp Quỹ cụ thể hàng năm, cũng đồng thời là đối tượng ban hành quy chế sử dụng Quỹ, chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho NĐT...

Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trên, khiến NĐT nghi ngờ về tính khả thi của Quỹ trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia thị trường.

Việc kiểm soát CTCK có trích Quỹ thực sự không, hay họ chỉ trích quỹ “trên giấy” là không đơn giản. Hiện Dự thảo không đưa ra chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp phát hiện CTCK không trích Quỹ, dẫn đến không có tiền để bồi thường thiệt hại cho NĐT; hoặc trường hợp NĐT đã làm thủ tục đề nghị CTCK bồi thường thiệt hại, nhưng CTCK cố tình không hoặc chây ỳ bồi thường.

Một điểm khó khả thi nữa của Quỹ bảo vệ NĐT, là buộc NĐT phải thu thập đầy đủ các loại chứng từ, tài liệu chứng minh cho giá trị bị thiệt hại mà họ yêu cầu CTCK phải bồi thường. Điều này chẳng khác nào... đánh đố NĐT.

Từ thực tế các sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên tại CTCK khiến NĐT bị thiệt hại thời gian qua cho thấy, do mâu thuẫn lợi ích, nên CTCK thường tìm đủ cách né tránh cung cấp cho NĐT các tài liệu, chứng từ chống lại CTCK.

Điều này đồng nghĩa một khi NĐT không nhận được sự hợp tác của CTCK trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những thiệt hại của mình, họ sẽ gần như bó tay trong yêu cầu CTCK bồi thường thiệt hại.

Để khắc phục những bất ổn trên, theo ý kiến của nhiều NĐT, Quỹ bảo vệ NĐT cần trao cho một pháp nhân độc lập quản lý và vận hành, thay vì giao toàn quyền cho CTCK như dự thảo. Có ý kiến đề xuất, nên xem xét giao cho Trung tâm Lưu ký quản lý và vận hành Quỹ. Như vậy mới đảm bảo khách quan, khả thi cho Quỹ trong bảo vệ NĐT. 

“Khoảng trống” lớn

Theo dự thảo, một nguyên tắc quan trọng trong quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT, là Quỹ chỉ được sử dụng cho mục đích bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên tại CTCK… Với quy định này, phạm vi bồi thường thiệt hại của Quỹ cho NĐT bị giới hạn. Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại ít nhất 2 “khoảng trống” lớn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NĐT.

Thứ nhất là khoảng trống về bồi thường thiệt hại cho NĐT khi CTCK lâm vào tình trạng phá sản. Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho hay, theo thông lệ quốc tế, Quỹ bảo vệ NĐT được thiết lập và vận hành ở quy mô lớn, như một định chế gắn với mô hình tổ chức và vận hành của TTCK, mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho NĐT khi CTCK phá sản. Còn Quỹ bảo vệ NĐT như dự thảo, do chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, ở cấp độ CTCK thành lập, quản lý và sử dụng, nên vừa khó khả thi, vừa khá hạn chế khả năng bảo vệ NĐT.

Thứ hai, trên thực tế, còn nhiều  loại rủi ro khác mà NĐT phải đối mặt liên quan đến các trường hợp doanh nghiệp niêm yết hoạt động không minh bạch,  gian dối hay quá tô hồng thông tin để đẩy giá. Điển hình như trường hợp của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), từng một thời gây rúng động thị trường, khi lãnh đạo bị vướng vào vòng lao lý, cổ phiếu DVD bị Sở GDCK TP. HCM hủy niêm yết, vì lâm vào phá sản.

Trước khi rơi vào tình trạng này, DVD liên tục công bố các thông tin liên quan đến hoạt động của Công ty, mà sau này cơ quan chức năng kết luận là không đúng sự thật, khiến cổ đông, NĐT hiểu sai về hiệu quả kinh doanh của DVD. Hệ quả là không ít NĐT đã phải gánh chịu thiệt hại do mua cổ phiếu DVD và nắm giữ cho tới khi Công ty bị phá sản, hủy niêm yết.

Đây không phải là chuyện hiếm gặp trên TTCK, trường hợp của CTCK Tràng An cũng là một ví dụ… Với những rủi ro này, câu hỏi mà NĐT đặt ra cho các nhà quản lý là ai đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ? Câu hỏi này lớn hơn câu hỏi bồi thường vì các lỗi kỹ thuật và rất cần nhà quản lý có lời giải, chứ không chỉ là tạo nên một mô hình Quỹ bảo về NĐT cho... đẹp đội hình.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục