Gia hạn, giảm phí
Theo Thông tư 101/2013/TT-BTC (TT101) hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, việc trích nộp Quỹ được quy định tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính liền kề của doanh nghiệp bảo hiểm (DHBH) và mức trích nộp quỹ cụ thể do Bộ Tài chính công bố bằng văn bản trước ngày 30/4 hàng năm. Như vậy, nếu theo đúng hướng dẫn tại TT101, thì việc trích nộp Quỹ được áp dụng từ năm 2014 trên cơ sở số liệu tài chính của các DNBH trong năm 2013.
Tuy nhiên, mới đây, trong công văn tổng hợp ý kiến của các DNBH hội viên về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, AVI đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét gia hạn thời gian nộp Quỹ và trước mắt để mức trích nộp tối đa là 0,1%.
Trao đổi với ĐTCK, các DNBH cho rằng, thị trường bảo hiểm những tháng đầu năm 2014 dù tăng trưởng nhưng vẫn còn khá khó khăn, nhất là mảng bảo hiểm phi nhân thọ. Chỉ tính riêng số tiền thiệt hại mà các công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường trong sự cố tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh mới đây ước khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, kết thúc năm 2013, mặc dù về đích một số chỉ tiêu kinh doanh, nhưng cũng có doanh nghiệp đã phải giảm lãi vì tăng trích lập cho một số khoản dự phòng nghiệp vụ theo đúng quy định hiện hành. Hơn nữa, việc giảm trích nộp quỹ cũng không phải chưa có tiền lệ, trước đó, việc trích nộp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng được giảm xuống 1% thay vì 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Người mua bảo hiểm có bị ảnh hưởng?
Với tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của cả thị trường năm 2013, nếu nộp theo đúng tiến độ với tỷ lệ tối đa 0,3% thì số tiền trích nộp ước khoảng 100 tỷ đồng. Việc trích nộp Quỹ được thực hiện đến khi quy mô của Quỹ đạt 5% tổng tài sản doanh nghiệp (với bảo hiểm phi nhân thọ); 3% (với bảo hiểm nhân thọ).
Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ trích nộp cũng như lùi thời hạn trích nộp như trên liệu có đủ bảo vệ quyền lợi của người tham gia mua bảo hiểm? Ghi nhận từ một thành viên trong Ban kiểm soát Quỹ cho thấy, quyền lợi của người mua bảo hiểm vẫn được đảm bảo.
“Việc thành lập Quỹ nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DNBH bị mất khả năng thanh toán hay phá sản. Trên thực tế, việc tăng trích lập các khoản dự phòng nghiệp vụ sau khi kết thúc năm 2013 cũng đã được doanh nghiệp thực hiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn, lùi thời hạn trích nộp quỹ cũng như giảm mức trích nộp cũng là cần thiết”, một lãnh đạo DNBH nói.
Trong số 45 DNBH đang hoạt động trên thị trường (cả phi nhân thọ và nhân thọ), hiện chỉ có Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) là DNBH duy nhất có nguy cơ mất khả năng thanh toán (nhóm 3).
Ngoài Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm được dùng để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng của VASS, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý đang nghiên cứu các biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, các doanh nghiệp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Với các DNBH còn lại, việc tái cơ cấu đang được đặt ra khá mạnh mẽ. Các thành viên thị trường cho rằng, dù sắp tới Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư phân loại DNBH, nhưng trước đó (từ năm 2003), hệ thống chỉ tiêu giám sát DNBH cũng đã có theo Quyết định số 153/2003/QĐ-BTC ngày 22/9/2003 của Bộ Tài chính.
Theo Dự thảo Thông tư phân loại DNBH, ngay khi ở trong nhóm 2 (đảm bảo biên khả năng thanh toán và có ít nhất 1 chỉ tiêu giám sát cần tăng cường kiểm soát), DNBH cũng đã chịu sự giám sát của Bộ Tài chính và buộc áp dụng một số biện pháp khắc phục.