Quỹ được thành lập cách đây hơn 3 năm, vào tháng 9/2014, với Hội đồng quản lý bao gồm 8 thành viên. Hiện tại, số thành viên Hội đồng được rút xuống còn 5 người, đồng thời Ban điều hành Quỹ cũng có sự thay đổi.
Theo danh sách mới, Chủ tịch Hội đồng là ông Phùng Ngọc Khánh (Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính). Các thành viên gồm có ông Phan Kim Bằng (Chủ tịch IAV), bà Thân Hiền Anh (Phó chủ tịch IAV, phụ trách mảng bảo hiểm nhân thọ), ông Trần Vĩnh Đức (Phó chủ tịch IAV, phụ trách mảng bảo hiểm phi nhân thọ) và bà Nguyễn Thu Thủy (Phó vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Tài chính).
Vị trí Trưởng Ban điều hành được trao cho bà Phạm Thị Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm. Trước đây, vị trí này thì do Phó chủ tịch IAV đảm nhận.
Nhìn vào danh sách này, có thể thấy, các vị trí lãnh đạo của Hội đồng và Ban điều hành Quỹ hiện tại đều là người của Bộ Tài chính, không còn là người của IAV.
Ông Phan Kim Bằng (Chủ tịch cũ của Hội đồng), bà Thân Hiền Anh và ông Trần Vĩnh Đức tham gia Hội đồng với tư cách của IAV. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, cũng có thể hiểu đây là đại diện gián tiếp của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), bởi đều là lãnh đạo doanh nghiệp.
Trước đây, thành viên Hội đồng Quỹ đều có sự tham gia của các DNBH thuộc top đầu của cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ như Bảo Việt Nhân thọ, Prudential, Manulife, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI và Bảo Minh. Tương tự, Ban điều hành Quỹ cũng là đại diện các DNBH như Dai-ichi, AIA, ACE Life, PJICO, PTI và SVI.
Ban lãnh đạo mới của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được lập ra để phù hợp với một số thay đổi tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Theo đó, Nghị định 73 quy định, quỹ này phải được Bộ Tài chính hạch toán, quản lý, theo dõi việc trích nộp Quỹ, quản lý và sử dụng Quỹ đúng mục đích nhằm bảo đảm an toàn vốn.
Cần nhắc lại rằng, trước đó, trong đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định 73, các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phản đối việc trao trách nhiệm quản lý quỹ này cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, mà đề nghị Bộ Tài chính trực tiếp quản lý.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một DNBH lớn cho rằng, việc quản lý tập trung bởi Bộ Tài chính ngoài nâng cao tính giám sát, bảo đảm an toàn vốn, còn hạn chế được tình trạng chây ỳ đóng quỹ của các thành viên từng xảy ra trong quá khứ. Bởi vậy, kể từ khi Nghị định 73 ra đời, một số đại diện DNBH từng góp mặt trong “dàn quản lý” quỹ này dường như không còn quan tâm nhiều đến việc doanh nghiệp mình có được “ở lại” hay không.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục có sự tham gia của đại diện các DNBH lớn thì sẽ dễ thuyết phục hơn bởi họ đóng phí lớn. Thế mới có chuyện, khi có Nghị định 73, vẫn không ít DNBH chờ đợi cơ hội được tiếp tục đại diện tham gia quản lý quỹ này.
Bởi trước đó, các DNBH này từng phản đối việc trao quyền cho Bộ Tài chính với lý do, tiền quỹ đều do DNBH đóng góp và được sử dụng như là biện pháp dự phòng nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng của chính các DNBH, nên cần được quản lý bởi IAV. Có DNBH nhân thọ còn phản đối việc giao quyền quản lý cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm vì sẽ khiến bộ máy quản lý thêm cồng kềnh. Dù vậy, cuối cùng, theo quy định tại Nghị định 73, quyền quản lý vẫn được trao cho Bộ Tài chính.
Tại lễ ra mắt các thành viên mới, ông Phan Kim Bằng tiết lộ, tính đến thời điểm hiện tại, tổng quỹ đạt gần 300 tỷ đồng.
Theo quy định, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng nhằm mục đích trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp các DNBH, cũng như chi nhánh bảo hiểm nước ngoài mất khả năng thanh toán, bị phá sản. Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp hàng năm của các DNBH theo tỷ lệ 0,1% tính trên doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc.