Vượt qua hàng loạt ông lớn, Tesla vươn lên vị trí thứ 3 toàn cầu

(ĐTCK) Một trong những bất ngờ lớn nhất của thập kỷ này là việc Tesla - một công ty ô tô tiến hành IPO vào năm 2010 có thể vượt mặt những ông lớn trong ngành và hiện tại vẫn chưa có “đối thủ” xét theo tốc độ tăng trưởng doanh thu, giá trị dài hạn mang lại cho cổ đông.
Vượt qua hàng loạt ông lớn, Tesla vươn lên vị trí thứ 3 toàn cầu

Mới đây, giá cổ phiếu Tesla đã xác lập kỷ lục mới ở mức gần 420 USD/cổ phiếu, tăng 22% kể từ đầu năm tới nay. Đáng chú ý, đây cũng là mức giá mà CEO Elon Musk từng “vạ miệng” tuyên bố cách đây 1 năm và chịu liên lụy đáng kể.

Cụ thể, Elon Musk đăng dòng tweet khẳng định có thể đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với mức giá 420 USD/cổ phiếu.

Ngay lập tức, cả nhà đầu tư lẫn Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đều cho rằng, đây là phát ngôn gây hiểu lầm và vi phạm quy định.

Elon Musk sau đó đã phải nộp phạt 20 triệu USD và từ chức Chủ tịch Tesla.

Năm 2019, Tesla cho ra mắt thêm một số dòng sản phẩm mới, bao gồm dòng xe bán tải gây tranh cãi Cybertruck và xe ATV chạy hoàn toàn bằng điện.

Tesla cho biết, Model Y - một trong những dòng xe quan trọng nhất của Công ty sẽ bắt đầu được sản xuất vào năm 2020, đồng thời mở một nhà máy mới tại Trung Quốc và tuyên bố sẽ xây một nhà máy ở Đức.

Hiện tại, Model 3 là mẫu sẽ có tốc độ bán hàng vượt mặt mọi dòng sản phẩm ô tô khác từ Đức hay Nhật Bản tại Mỹ ở phân khúc xe hạng sang.

Trong khi đó, Elon Musk cho biết, Công ty đã nhận được hơn 200.000 đơn đặt hàng trước chỉ trong 3 ngày sau khi ra mắt mẫu Cybertruck.

Những diễn biến này là lý do giúp giá cổ phiếu Tesla leo dốc, đưa giá trị thị trường của Công ty lên mức 73 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn cầu, sau Toyota (230 tỷ USD) và Volkswagen (98 tỷ USD).

Hiện tại, Tesla được định giá cao hơn 37% so với General Motors và cao gần gấp đôi so với Ford Motor Co. Nguyên nhân chính xuất phát từ tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Tesla.

Kể từ khi mẫu Model S bắt đầu kinh doanh vào năm 2012 tới nay, doanh số bán hàng của Tesla đã tăng 52 lần, trong khi mức trung bình của ngành ô tô là 45%.

Tesla, cũng như vị CEO “lắm tài nhiều tật” của mình đón nhận không ít chỉ trích vì tính bất ổn.

Tuy nhiên, Tesla vẫn đang thẳng tiến. Giá cổ phiếu Tesla đã tăng 22% trong năm nay, cao hơn so với trung bình 14% của Top 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất.

Năm ngoái, Tesla đứng vị trí thứ nhất với lợi nhuận mang về từ cổ phiếu là 7%, trong khi các đối thủ thua lỗ 16%.

Trong 2 năm qua, Công ty giữ ngôi vương với lợi suất 31%, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành lỗ 4%. Kể từ năm 2017, cổ phiếu Tesla luôn giữ vị trí thứ nhất với mức tăng 99%, trong khi mức trung bình của ngành ô tô là 24%.

Bất kỳ ai mua cổ phiếu Tesla khi công ty này thực hiện IPO năm 2010 và giữ lại cho đến nay đều thu về mức lợi suất 1.190%.

Trong khi đó, giá cổ phiếu trung bình ngành ô tô tăng 158% trong 10 năm qua, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.

Đáng chú ý, không một công ty nào ngành ô tô có thể đánh bại tốc độ tăng trưởng của Tesla. Sau khi tăng 10 lần kể từ năm 2014, doanh thu của Tesla sẽ tăng thêm 14% năm 2019, 21% năm 2020 và 18% năm 2021, theo khảo sát từ 27 chiến lược gia của Bloomberg.

Trong khi đó, mức độ tăng trưởng trung bình của Top 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới giai đoạn 2019-2021 lần lượt là 1%, 4% và 3%.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều khuyến nghị nên bán cổ phiếu Tesla hơn là mua vào và có tới 481 công ty thuộc chỉ số S&P 500 được các chuyên gia ưa chuộng hơn so với Tesla.

Nhận định về câu chuyện này, Cathie Wood, CEO tại Ark Investment Management cho rằng, Elon Musk đối diện với sự nghi ngại của nhà đầu tư về khả năng tạo ra các giá trị.

Điều tương tự cũng xảy ra với CEO Jeff Bezos trong thập kỷ đầu tiên của Amazon khi trở thành doanh nghiệp niêm yết.

“Chúng ta từng chứng kiến sự điên cuồng của Amazon và đã chấp nhận nó. Điều tương tự cũng sẽ đến với Tesla”, Cathie Wood chia sẻ.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục